Thế giới

Quốc gia châu Á đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa với hơn 9 triệu tấn, chuyên gia đưa ra cảnh báo ‘cực kỳ nghiêm trọng’

Thiên Kim 12/09/2024 - 00:59

Một nghiên cứu mới đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng môi trường đang gia tăng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Khủng hoảng ô nhiễm nhựa

Theo một nghiên cứu toàn cầu mới, Ấn Độ hiện là nước gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm cho gần 1/5 lượng phát thải nhựa toàn cầu.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc thiếu cơ sở hạ tầng để thu gom và xử lý chất thải đúng cách là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nhựa. Mặc dù Ấn Độ đã thực hiện nhiều nỗ lực về quy định, các chính sách vẫn còn rời rạc và khó thực thi.

Báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào tuần trước bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Leeds của Anh. Nghiên cứu cho thấy Ấn Độ chiếm khoảng 9,3 triệu tấn trong số 50,2 triệu tấn nhựa thải ra môi trường hàng năm.

Quốc gia châu Á đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa với hơn 9 triệu tấn, chuyên gia đưa ra cảnh báo ‘cực kỳ nghiêm trọng’ - ảnh 1
Ấn Độ đang đứng đầu thế giới về lượng phát thải rác thải nhựa. Ảnh: SCMP

Ed Cook, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết: “Lượng chất thải rắn đô thị bị đốt cháy ở Ấn Độ tương đương với 4 quốc gia có lượng chất thải lớn tiếp theo là Indonesia, Nigeria, Trung Quốc và Nga”.

Trong khi các nghiên cứu trước đây xác định Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới, những nỗ lực phối hợp của Bắc Kinh đã làm giảm đáng kể lượng khí thải của nước này trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện chiếm 2,8 triệu tấn rác thải nhựa, theo nghiên cứu.

Chuyên gia Cook nhận định: “Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị trong 15 năm qua, điều này có tác động lớn đến việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, về sự giàu có, Trung Quốc đang tiến gần đến việc trở thành một quốc gia có thu nhập cao, trong khi Ấn Độ vẫn ở nhóm thu nhập thấp hơn”.

Ông cho rằng Ấn Độ sẽ gặp thách thức lớn khi đi theo con đường giống như Trung Quốc bởi vì họ có thể không đủ nguồn lực để làm như vậy.

Cook nói thêm: “Chúng tôi biết rằng nguồn ô nhiễm chính ở Ấn Độ là do thiếu các dịch vụ thu gom chất thải. Vì vậy, nếu họ muốn chú trọng vào một điều gì đó, thì đó có lẽ là điểm tốt nhất để bắt đầu”.

Vấn đề của Ấn Độ

Các nhà phân tích cho biết, chính sách liên quan đến nhựa của quốc gia châu Á này hiện vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, với các cơ quan thực thi thường thiếu thẩm quyền để áp đặt quy định nghiêm ngặt hoặc xử phạt những trường hợp vi phạm.

Chính phủ Ấn Độ đã cấm 19 loại nhựa sử dụng 1 lần vào năm 2022. Tuy nhiên, việc thực thi lại không nhất quán và vẫn chưa có hiệu quả.

Quốc gia châu Á đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa với hơn 9 triệu tấn, chuyên gia đưa ra cảnh báo ‘cực kỳ nghiêm trọng’ - ảnh 2
Một người dân đang thu gom lon nhựa tại một bãi rác ở Hyderabad vào tuần trước. Ảnh: AFP

Theo SCMP, hình phạt cho việc sử dụng nhựa dùng 1 lần bị cấm dao động từ 200 rupee (2,40 USD) đối với những người bán hàng rong địa phương đến 10.000 rupee với những chủ cửa hàng lớn. Nhưng mức phạt này hiếm khi được áp đặt.

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng cuộc khủng hoảng nhựa lan rộng cũng đặt ra một thách thức lớn cho các nhà lập pháp. Họ lập luận rằng một số lĩnh vực gây ô nhiễm đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn và các chính sách cụ thể cho từng ngành có thể giúp giải quyết vấn đề.

Swathi Seshadri, Giám đốc nghiên cứu và trưởng nhóm về dầu khí tại Trung tâm tài chính phi lợi nhuận có trụ sở tại New Delhi, nhấn mạnh chất thải nhựa là yếu tố góp phần vào tình trạng lụt nghiêm trọng trong những năm gần đây của Ấn Độ.

Bà lưu ý: “Túi nhựa dùng 1 lần làm tắc nghẽn các nguồn nước, sông ngòi và đường dẫn nước tự nhiên, gây ngập lụt nghiêm trọng và cuối cùng là những trận lụt mà chúng ta thấy”.

Trên khắp Ấn Độ, cả khu vực thành thị và nông thôn đều vật lộn với các tác động môi trường của việc xử lý nhựa không đúng cách và lạm dụng các vật liệu dùng 1 lần. Báo cáo gần đây trong ngành công nghiệp cho thấy chỉ một phần của chất thải nhựa được tái chế.

“Chất thải cần phải được phân loại, thu gom và xử lý đúng cách. Điều đáng lo ngại là ngay cả thủ đô của đất nước cũng không phân loại rác đúng cách. Thay vào đó, chất thải hỗn hợp lại kết thúc ở các bãi rác”, bà Seshadri nói.

Quốc gia châu Á đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa với hơn 9 triệu tấn, chuyên gia đưa ra cảnh báo ‘cực kỳ nghiêm trọng’ - ảnh 3
Một máy xúc đang dọn sạch nhựa và các vật liệu thải khác trên bãi biển Mahim ở Mumbai, Ấn Độ vào tháng 4. Ảnh: AP

Rajesh, một người bán rau ở Bangalore, cho biết ông không thể mua được túi giấy vì nó có giá gần gấp 3 lần so với túi nhựa.

Ông cho hay: “Tôi biết túi nhựa là xấu nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Đây là lựa chọn rẻ nhất có sẵn cho tôi”, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng mang theo túi của họ.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích độc lập chỉ ra việc mở rộng quy mô của các nhà máy lọc dầu và nhà máy hóa dầu là lý do chính khác gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Ấn Độ.

“Vấn đề ô nhiễm nhựa ở Ấn Độ đang trở nên tồi tệ nhất có thể vì quốc gia này là nơi đặt nhà máy hóa dầu lớn nhất thế giới”, Siddharth Ghanshyam Singh, thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường có trụ sở tại Delhi, cảnh báo.

Được biết gần như tất cả hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Ấn Độ hiện có 21 nhà máy hóa dầu trên 13 bang và có kế hoạch mở rộng đáng kể trong những năm tới, theo số liệu ngân sách mới nhất.

“Ấn Độ đã có một số bước tiến nhất định về quản lý chất thải, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và công nghệ còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của một quốc gia tạo ra chất thải ở quy mô lớn như vậy”, ông Singh đánh giá.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, ông kêu gọi các sáng kiến chính sách như loại bỏ trợ cấp cho các nhà sản xuất nhựa, khảo sát sức khỏe cơ bản gần các nhà máy hóa dầu mới và nghiên cứu dịch tễ học về dân số sống xung quanh những nhà máy gây ô nhiễm nặng.

Theo SCMP, Times of India

>> Siêu cường châu Á tạo đột phá lớn, mỗi năm biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành ‘kho báu vàng đen’

Trường học kỳ lạ ở Ấn Độ: Dạy trẻ 12 tuổi móc túi chuyên nghiệp, đám cưới của giới nhà giàu trở thành mục tiêu chính

Quốc gia châu Á đứng số 1 thế giới trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Mỹ phải hợp tác với 4 siêu cường khác mới đuổi kịp

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-chau-a-dung-dau-the-gioi-ve-luong-rac-thai-nhua-voi-hon-9-trieu-tan-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao-cuc-ky-nghiem-trong-126611.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
abc
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia châu Á đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa với hơn 9 triệu tấn, chuyên gia đưa ra cảnh báo ‘cực kỳ nghiêm trọng’
POWERED BY ONECMS & INTECH