Kỳ quan đập nước 3.700 tuổi với khả năng biến sa mạc thành ốc đảo sụp đổ, khiến thành phố cổ diệt vong và khoảng 50.000 người phải di tán

14-02-2024 15:11|Thùy Dung

Công trình này từng được đánh giá là một trong những đập nước lớn nhất thế giới vào thời điểm nó được xây dựng.

Đập Marib là một trong những kỳ quan kỹ thuật lớn nhất của thế giới cổ đại nằm ở thành phố cổ Marib, Yemen. Trong suốt thời gian tồn tại, đập nước đã biến sa mạc thành ốc đảo, cho phép tưới tiêu hơn 100km2 diện tích đất cát xung quanh Marib, thành phố lớn nhất miền nam Arab thời đó, cũng là trung tâm quyền lực của vương quốc Saba.

Vương quốc Saba phát triển thịnh vượng nhờ buôn bán dọc theo Con đường Gia vị (hay Con đường Hương liệu) giữa miền nam Arab và cảng Gaza trên biển Địa Trung Hải. Marib là một trong những điểm dừng chân dọc tuyến đường mà các thương gia sẽ nghỉ ngơi và trao đổi hàng hóa. Marib buôn bán hai sản phẩm quý hiếm và đắt tiền được đánh giá cao trong thế giới cổ đại là trầm hương và mộc dược, lấy từ nhựa cây trồng trên khắp Arab.

dap-marib-1-0004.jpg
Tàn tích của đập Marib. Ảnh: Dennis/Flickr

Những loại cây tạo ra trầm hương và mộc dược chịu hạn cực kỳ tốt. Tuy nhiên, chúng cũng cần được chăm sóc cẩn thận như bất cứ cây nông nghiệp nào khác.

Để phát triển nông nghiệp trên sa mạc, người Saba xây dựng mạng lưới tưới tiêu rộng lớn gồm các giếng và kênh. Trung tâm của hệ thống này là đập Marib. Xây từ vữa và đá, công trình chắn qua khe núi lớn cắt ngang đồi Balaq. Theo ước tính hiện đại, con đập cao 15m và dài khoảng 580m. Khoảng năm 1750 - 1700 TCN, khi mới xây dựng lần đầu tiên, con đập có thể trông khá khiêm tốn. Đến thế kỷ VII TCN, đập Marib bắt đầu trở nên đồ sộ với các trụ bằng đá và vữa lớn ở đầu phía bắc và phía nam của đập, kết nối với những phần bằng đá ở hai bên sông. Những trụ đá này vẫn đứng vững đến nay.

Các thế hệ người Saba gìn giữ đập Marib suốt nhiều thế kỷ, sau đó đến người Himyarite. Người Himyarite tu sửa công trình, nâng chiều cao lên 14m và xây dựng các đập tràn, cống, bể lắng và một kênh dài dẫn đến bể phân phối. Công việc này tiếp tục cho đến thế kỷ IV. Khi đó, Marib mất thị trường trầm hương và mộc dược do sự phát triển của Cơ Đốc giáo. Trong thời kỳ đầu, tôn giáo này cấm sử dụng trầm hương vì nó gắn liền với việc thờ cúng ngoại giáo. Khi buôn bán xuống dốc, Marib bắt đầu mất đi sự thịnh vượng.

Đập Marib giúp sa mạc trở nên màu mỡ và khu vực xung quanh phát triển, rơi vào tình trạng hư hỏng. Những kỹ thuật thủy lực phức tạp nổi tiếng của người Saba dần bị lãng quên và việc bảo trì đập ngày càng trở nên khó khăn. Từ giữa thế kỷ thứ V trở đi, đập bắt đầu nứt vỡ thường xuyên. Đến năm 570, đập bị nước tràn lần cuối và lần này không được tu sửa.

Có nhiều tranh cãi về nguyên nhân khiến đập Marib sụp đổ. Một số học giả cho rằng nguyên nhân là mưa lớn, số khác lại nghĩ một trận động đất đã phá hủy công trình đá. Sự sụp đổ của đập Marib dẫn đến hệ thống tưới tiêu bị phá hủy và dân cư - ước tính khoảng 50.000 người - di cư đến các khu vực khác của bán đảo Arab. Ngày nay, Marib chỉ trồng một ít lúa mì, vào mùa mưa thì trồng thêm cao lương, vừng và một loại cỏ linh lăng để làm thức ăn cho động vật. Thành phố khi xưa giờ gần như chỉ còn là đống đổ nát.

>> Ghé thăm 'thủ phủ lò gạch' 100 năm tuổi tại miền Tây, những ngôi nhà ẩn trong sương khói đẹp như kỳ quan thế giới

Khám phá hệ thống đường hầm xuyên sa mạc dài 280km lớn nhất thế giới, kỹ sư phải ‘sững người’ khi gặp hiện tượng lạ giữa vùng đất khô cằn

Trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới bao phủ hơn 20km2 sa mạc, cung cấp điện cho 200.000 hộ gia đình, giảm 2,4 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ky-quan-dap-nuoc-3700-tuoi-voi-kha-nang-bien-sa-mac-thanh-oc-dao-sup-do-khien-thanh-pho-co-diet-vong-va-khoang-50000-nguoi-phai-di-tan-d116193.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kỳ quan đập nước 3.700 tuổi với khả năng biến sa mạc thành ốc đảo sụp đổ, khiến thành phố cổ diệt vong và khoảng 50.000 người phải di tán
    POWERED BY ONECMS & INTECH