Ký ức về nhiệm vụ đặc biệt của Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội
Gần 1 tuần trước ngày chính quyền và bộ đội về tiếp quản Hà Nội, gần 400 thanh niên đã vào Thủ đô làm nhiệm vụ tiền trạm - tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thế hệ cha ông năm xưa dành cả tuổi xanh đầy nhiệt huyết lên đường kháng chiến với lời thề "sẽ có ngày trở về Hà Nội", nay người còn, người mất, nhưng những ký ức vẫn vẹn nguyên cảm xúc đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường.
Sáng mùa thu tháng 10/2024, trong căn nhà nhỏ trên đường Trường Chinh (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Khang (89 tuổi) lật lại từng trang nhật ký, hồi tưởng ngày về giải phóng Thủ đô 70 năm trước (10/10/1954 - 10/10/2024).
Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban liên lạc Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản Thủ đô, thời điểm đó, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính TP Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.
Từ tháng 7-9/1954, gần 400 đoàn viên từ 17 đến 20 tuổi đang học tập tại các trường ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ… được đưa về Đại Từ (Thái Nguyên) chỉnh huấn (tập huấn - pv) chính sách của Chính phủ về việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để họ hiểu rõ và yên tâm khi bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Khi đang là Bí thư đoàn một trường học ở Tân Trào (Tuyên Quang), ở tuổi 19, ông Nguyễn Văn Khang được lựa chọn về Hà Nội làm nhiệm vụ đặc biệt đó.
“Lúc được lựa chọn, những thanh niên như chúng tôi ai cũng hồi hộp, lo lắng liệu có làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng đó không. Nhưng sau thời gian chỉnh huấn ở Thái Nguyên, ai cũng tự tin tiến về Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Khang nhớ lại.
Ngày 3/10/1954, ông Nguyễn Văn Khang lần đầu tiên được đặt chân tới Hà Nội làm nhiệm vụ tiền trạm trước khi quân đội trở về tiếp quản giải phóng Thủ đô. Lúc bấy giờ, địch đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc nhằm lôi kéo nhân dân di cư vào miền Nam.
Do vậy, gần 400 thanh niên chia thành các nhóm đi từng nhà, vào từng cơ quan, đơn vị ở 36 phố phường Thủ đô Hà Nội làm công tác vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức để mọi người hiểu rõ chính sách của Chính phủ ta. Ngoài ra, những người như ông Khang còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi múa hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954.
“Có rất nhiều câu hỏi được người dân Thủ đô đặt ra vào thời điểm đó. Có người quan tâm đến lương thay đổi như thế nào? Người băn khoăn với việc có được tiếp tục đi làm nữa hay không? Thậm chí có người còn quan tâm đến việc được mặc áo dài nữa hay không?”, ông Khang nhớ lại và cho biết. Nhờ được đội thanh niên giải thích rõ, nên nhân dân Thủ đô ai cũng yên tâm trước khi chính quyền và quân đội cách mạng chuẩn bị về tiếp quản.
“Gần 400 thanh niên chúng tôi đã thuyết phục được một bộ phận người dân không dao động, không nghe lời dụ dỗ của địch chạy vào miền Nam. Phấn khởi khi biết đoàn quân sắp về tiếp quản Thủ đô, bà con ở phố có gì đều mang ra làm cổng chào. Người dân phố Hàng Đào mang lụa ra kết thành cổng chào, tung bay rất đẹp. Người dân phố Hàng Thùng mang thùng ra chồng lên nhau”, ông Khang nói.
Ông Khang cho biết, đêm 9/10/1954, cả Hà Nội gần như không ngủ. Thanh niên, nhân dân ở các khu phố thức xuyên đêm để chuẩn bị cờ, biểu ngữ. Khoảng 8h30 ngày 10/10/1954, đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào Thủ đô Hà Nội. Hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng. Tiếng trống, tiếng pháo, tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường.
Sáng 10/10/1954, ông Khang được giao làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực đài phun nước ở bờ hồ Hoàn Kiếm hiện nay. 70 năm đã qua, ông Khang vẫn nhớ như in từng gương mặt vào thời điểm đó. Có người mẹ nghẹn ngào ôm con sau nhiều năm xa cách; có em bé được gặp lại cha trong ngày trở về.
Sau ngày về Hà Nội, ông Khang tiếp tục cùng Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô thực hiện nhiệm vụ chống dụ dỗ di cư ở Hà Nội. “Đến tháng 4/1955, nhiệm vụ của chúng tôi kết thúc một cách xuất sắc. Một số thành viên trong đội được chọn đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc… Một số tiếp tục là thanh niên xung phong đi lao động xây dựng đường sắt”, ông Khang kể.
Năm 1955, ông Nguyễn Văn Khang đi học ngành nông nghiệp tại Trung Quốc, rồi về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tới khi nghỉ hưu. Ông Khang cho biết, hằng năm các thành viên Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô vẫn tổ chức họp mặt để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa.