Sống

Lai lịch "không phải dạng vừa" của tỷ phú Việt sở hữu 20.000 nhà mặt phố Sài Gòn, "choáng" nhất biệt phủ 99 cửa được người Pháp thiết kế

Quỳnh Châu 10/08/2023 07:49

Không chỉ được biết đến với hơn 20.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Thành, Chú Hoả còn để lại cho đời vô số những công trình biểu tượng của thành phố.

Cuối thế kỷ 19, mảnh đất Sài Gòn xưa nổi lên bốn vị đại thương gia có gia sản kếch xù, được mệnh danh là “Tứ đại phú hộ”, bao gồm: “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hoả”. Tuy xếp thứ 4 về độ giàu có nhưng "Tứ Hỏa" lại là đại gia để lại nhiều dấu ấn nhất so với 3 người người còn lại. Trong đó, phải kể đến cái tâm sáng, luôn hướng đến cộng đồng của ông.

Bí ẩn về giai thoại làm giàu

Tứ Hoả (hay Chú Hoả) thường được biết với tên gọi là Hứa Bổn Hỏa (tên thật là Huỳnh Văn Hoa), vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.

Ông sang Việt Nam khoảng năm 1863. Vì không có nhiều tài liệu ghi chép về đại gia này nên có khá nhiều lời đồn đoán về sự giàu có của ông. Trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện khởi nghiệp khi mới từ Trung Quốc sang đất Nam.

Chú Hỏa là một thương gia giàu có nổi tiếng của Sài Gòn xưa.

Theo đó, sách báo năm xưa viết rằng Hứa Bổn Hỏa xuất thân nghèo khổ, có đôi quang gánh sang đất Nam làm nghề buôn bán phế liệu. Từ thành phố đến các vùng ngoại thành, gặp thứ gì cũng mua rồi về đem bán lại cho một vựa ở Chợ Lớn. Cứ tưởng cái nghề nhặt từng hào, từng xu này sẽ khiến chú nghèo mạt kiếp, thế nhưng số phận đã cho người đàn ông này một cơ hội đổi đời.

Trong một lần đi gom ve chai, chú may mắn tìm ra túi vàng hay món đồ cổ quý hiếm nằm trong đống đồ cũ và dùng vật tìm được để lấy vốn làm ăn. Nhờ có khối óc nhìn xa trông rộng, nhạy bén với thương trường và tính quyết đoán nên sự nghiệp của chú phất lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, giai thoại vẫn mãi là giai thoại. Người đời chỉ có thể ngầm hiểu rằng người đàn ông này cũng đi từ hai bàn tay trắng mà tạo dựng nên sự nghiệp, vẫn phải cần mẫn làm ăn và nhờ sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh để trở nên giàu có.

Còn sự thật về con đường làm giàu của Chú Hỏa đến nay vẫn chưa ai thực sự tỏ tường. Theo Báo Tuổi trẻ, bài viết “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun với những tư liệu được cung cấp từ dòng dõi của Chú Hỏa đang sinh sống ở Paris (Pháp) tiết lộ rằng lúc mới sang Việt Nam, Chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp. Nhờ siêng năng và tốt bụng nên ông chủ Pháp đã giúp ông mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.

Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp ở trước cửa tiệm bên kia đường.

"Vua nhà đất" đầu tiên của Việt Nam

Sau khi tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản Sài Gòn. Chính ông đã nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế và tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ Bến Thành. Khi chợ xây xong, ông có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng và ông lập tức biến nó thành 30.000 căn nhà ở Sài Gòn (có tư liệu cho là 22.000 căn nhà) cho thuê để hốt bạc trong thời gian dài.

Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM).

Được đà thắng xông lên, ông đầu tư vào lĩnh vực xây dựng như công trình khách sạn Majestic nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng - Đồng Khởi bây giờ, Nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh ngày nay, Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace Long Hải cùng khu nhà khách chính phủ, nhiều trụ sở ngân hàng,…

Khi công việc làm ăn phát triển, Chú Hỏa thành lập Công ty Bất động sản Hui Bon Hoa, nắm giữ hơn 40% bất động sản Sài Gòn thời đó. Cũng nhờ có cơ ngơi khổng lồ như vậy, Chú Hỏa nổi tiếng khắp Đông Dương về sự giàu có, khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.

Không chỉ giàu có, sinh thời, Chú Hỏa còn nổi tiếng là người sống có đạo đức, tử tế. Triết lý kinh doanh của chú là lợi nhuận thu được từ cộng đồng phải được dùng để phục vụ trở lại cho cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội.

Cũng chính vì thế mà Chú Hỏa đã dành nhiều tiền và đất để xây nhiều công trình phục vụ cho nhân dân như bệnh viện, chùa chiền, khách sạn… Theo Báo Tuổi trẻ, sau này, chú còn hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (Quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (Quận 5)…

Một công trình nổi tiếng khác cũng gắn liền với Chú Hỏa đó là căn biệt phủ 99 cửa. Căn nhà nằm tại khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là phố Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình. Tòa nhà được các hậu duệ nhà họ Hứa xây dựng, nhằm thực hiện ước nguyện có một căn nhà chung cho toàn bộ con cháu sinh sống của Chú Hoả.

Căn biệt thự được thực hiện trong vòng 5 năm, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Dinh thự nguy nga, có 4 tầng với lối kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái Á – Âu. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy - một trong những thứ xa xỉ bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1975, khi gia đình Chú Hỏa chuyển sang nước ngoài định cư, toà nhà đã được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Dinh thự 99 cửa của gia đình Chú Hoả.

Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi. Mãi về sau này, khi nhắc tới Chú Hỏa này, người ta vẫn dành cho người đàn ông này một sự kính trọng và nể phục.

Lập cú đúp, Giáo sư nhận giải thưởng 3 triệu USD từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói gì?

Elon Musk muốn theo dõi mọi hành động của 94% công chức Mỹ, giúp tiết kiệm 2.000 tỷ USD

Bài thuộc chủ đề Kiệt xuất Việt Nam
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lai-lich-khong-phai-dang-vua-cua-ty-phu-viet-so-huu-20000-nha-mat-pho-sai-gon-choang-nhat-biet-phu-99-cua-duoc-nguoi-phap-thiet-ke-195909.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lai lịch "không phải dạng vừa" của tỷ phú Việt sở hữu 20.000 nhà mặt phố Sài Gòn, "choáng" nhất biệt phủ 99 cửa được người Pháp thiết kế
    POWERED BY ONECMS & INTECH