Lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt song tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đến cuối tháng 3 vẫn tăng trưởng tốt.
Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148 nghìn tỷ đồng so với tháng 2.
Tăng trưởng huy động vốn vẫn đang dựa vào nhóm khách hàng dân cư. Cụ thể, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại hệ thống TCTD tăng hơn 100,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 lên hơn 6,28 triệu tỷ. Đây là tháng tăng trưởng dương thứ 16 liên tiếp của tiền gửi dân cư, bắt đầu từ tháng 12/2021.
Một diễn biến đáng chú ý là tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp sau khi giảm mạnh 338 nghìn tỷ trong 2 tháng đầu năm đã phục hồi lại trong tháng 3, tuy nhiên mức tăng không thực sự ấn tượng (chỉ tăng thêm hơn 48 nghìn tỷ đồng). Số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 3 là hơn 5,66 triệu tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhóm khách hàng dân cư (hơn 6,28 triệu tỷ).
Diễn biến ngược chiều của tiền gửi cá nhân và tiền gửi tổ chức thời gian qua đến từ những thay đổi về lãi suất trên thị trường cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Lãi suất huy động tăng cao đã thúc đẩy người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng trong những tháng đầu năm, đồng thời hạn chế các khoản chi tiêu, đầu tư.
Trong khi ngược lại, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay, phải rút bớt tiền gửi để trang trải cho các hoạt động và đảm bảo thanh khoản. Tình hình kinh doanh khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền trong những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, sau lần hạ lãi suất điều hành của NHNN vào ngày 15/3 vừa qua, hàng loạt các ngân hàng thương mại cũng đã có động thái giảm lãi suất huy động. Bất chấp lãi suất huy động giảm, tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp vẫn tiếp đà tăng mạnh trong tháng 3.
Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 14,9% vào năm 2025
Nhà mạng 31 năm tuổi chính thức ra mắt sản phẩm 'Loa' thông báo nhận tiền chuyển khoản