Theo ngân hàng UOB, “lãi suất sẽ giữ ở mức thấp kỷ lục” trong năm tới. Lạm phát năm 2021 dự báo tăng vừa phải 1,9% so với 3,2% của năm 2020 và sau đó tăng lên 3,2% vào năm 2022.
Lãi suất chịu áp lực từ lạm phát
Cuối năm 2021, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động, thậm chí thị trường đã xuất hiện mức lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 12, dao động từ 1,34 - 3,37%/năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, bước qua năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cơ bản ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, ông Lực cho rằng, lãi suất điều hành (tái cấp vốn) của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 4% và mức này không nên giảm nữa nếu không muốn đánh tín hiệu lãi suất tiền gửi giảm, ảnh hưởng tới tiền gửi trong dân cư. Thực tế trong năm 2021, người dân đã gửi tiền ngân hàng ít đi và chuyển một phần lớn sang đầu tư chứng khoán, bất động sản... Còn lãi suất cho vay hiện nay ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và cũng không phải là điểm nghẽn bởi vì tín dụng vẫn tăng.
Ngân hàng UOB Việt Nam đã đưa ra dự báo lãi suất về lãi suất trong năm 2022. Theo nhà băng này, “lãi suất sẽ giữ ở mức thấp kỷ lục” trong năm tới. Lạm phát năm 2021 dự báo tăng vừa phải 1,9% so với 3,2% năm 2020 và sau đó tăng lên 3,2% vào năm 2022.
Với bối cảnh lạm phát tương đối lành tính và triển vọng không chắc chắn do biến chủng Omicron mới, ngay khi đất nước lấy lại vị thế sau làn sóng lây nhiễm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Với kỳ vọng tình hình sẽ được quản lý tốt giống như đã từng xảy ra trước đây, nên cả lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% sẽ vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục ở thời điểm hiện tại.
Lãi suất ổn định để hỗ trợ kinh tế phục hồi
Dự báo lãi suất năm 2022, GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định: “Lãi suất không thể tăng trong thời gian tới, ngay cả khi lạm phát có xuất hiện đi nữa thì cũng phải giữ cho lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế. Trường hợp lạm phát không có hoặc thấp thì kéo lãi suất giảm xuống nữa”.
Theo vị giáo sư này, khả năng lạm phát sẽ xuất hiện nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nếu lạm phát giảm giảm vào giữa năm 2022 như dự báo của các chuyên gia quốc tế, tác động lạm phát trong nước cũng sẽ giảm phần nào, làm giảm đi sức ép lên lãi suất. Nhưng biến chủng Omicron vẫn là một ẩn số đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, làm chuỗi cung ứng bị tắc lần nữa sẽ dẫn đến chi phí tăng lên, giá nhập khẩu tăng lên, mọi thứ tăng đều tăng lên thì chỉ số lạm phát chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Liên quan đến gói tín dụng bù lãi suất có quy mô 40.000 tỉ đồng, tương đương dư nợ tín dụng 1 triệu tỉ đồng, ông Trần Ngọc Thơ cho rằng, gói bù lãi suất 3 - 4%/năm nếu triển khai trong thời gian tới sẽ là niềm động viên đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bù lãi suất không phải là lãi suất chính sách mà mang tính lãi suất định hướng vào nhóm đối tượng nào đó được ưu tiên vay. Chính vì vậy, gói tín dụng này nếu không đủ lớn cũng khó có thể tác động đến lãi suất thị trường.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất khả năng sẽ hướng đến những lĩnh vực khôi phục lại được, những doanh nghiệp còn hoạt động, từ đó kéo hoạt động sản xuất trở lại, tăng trưởng kinh tế dù dịch có quay trở lại. Nếu lạm phát trong nước dưới 5% thì không tạo áp lực quá lớn để thay đổi lãi suất. Lãi suất vay sẽ được giữ cố định ở mức hiện tại hoặc có thể điều chỉnh giảm đôi chút vì nền kinh tế vẫn đang cần được hỗ trợ.
“Về dài hạn, khi lãi suất cho vay có thể bắt đầu tăng lên sẽ là là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế, chứ ngân hàng mà thanh khoản dồi dào, dư thừa tiền trong năm 2022 nữa thì chứng tỏ doanh nghiệp “chết” rồi nên không thể vay nữa, hoặc ngân hàng thấy kinh tế quá rủi ro nên không dám cho vay. Khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn sẽ tăng lên từ từ, room tín dụng từ 12% đổ lại thì lãi suất sẽ không quá căng thẳng. Còn nếu nhu cầu vốn tăng quá mạnh không chừng lãi vay lại bị kéo lên. Nhưng đó cũng sẽ là tín hiệu kinh tế phục hồi.”, ông Hồ Quốc Tuấn nhận xét.
Trước những thách thức của lạm phát, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu và ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước cũng sẽ theo dõi sát các nguy cơ, rủi ro gia tăng lạm phát để điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế nhưng cũng không chủ quan đối với lạm phát. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế đi đôi với đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có thể thực hiện được khi các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc tăng vốn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh như hiện nay.
Tựu chung lại, trong năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, kịp thời với các biến động của kinh tế vĩ mô và thị trường.