Tài chính Ngân hàng

Lãi vay giảm chậm hơn lãi huy động, do đâu?

Trâm Anh 09/01/2024 19:30

Lãi suất huy động đã giảm rất sâu về mức thấp nhất 20 năm, tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.

Dù mức lãi suất liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian qua, nhưng lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế liên tục tăng.

Lần cập nhất mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng hơn 583.000 tỷ đồng, tương đương 9,95%.

Từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, lãi suất huy động gần như rơi thẳng đứng. Theo đó, đến cuối tháng 12/2023, nhóm ngân hàng Big4 đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, đưa mức lãi suất về mức thấp nhất lịch sử.

>> Tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng bất chấp lãi suất giảm sâu

Mặc dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu về mức thấp nhất 20 năm, song lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.

Từ những diễn biến trái chiều trên, dư luận không khỏi đặt câu hỏi bao giờ lãi suất cho vay mới giảm.

Nghịch lý lãi suất huy động giảm, lãi cho vay vẫn cao
Vì sao lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm không đồng tốc?

Lý giải về việc lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay giảm chưa đồng tốc, ông PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các khoản vay mà người dân vay với lãi suất cao là khoản tiền được huy động ở mức lãi suất cao.

"Khi nguồn tiền trong ngân hàng được huy động với lãi suất cao, cho vay hết thì sẽ sử dụng đến nguồn tiền huy động với lãi suất thấp. Lúc này, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Do đó, lãi suất cho vay trong khoảng thời gian đầu năm 2024 được dự báo giảm nhẹ" - chuyên gia kinh tế dự báo.

Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cũng đưa ra lý giải cho vấn đề lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Theo ông Quang, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh chóng, hiện tại bình quân lãi suất huy động tại các giao dịch mới phát sinh chỉ ở mức 3,9%/năm. Có đến 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng do trung và dài hạn.

>> Cập nhật mới nhất lãi suất ngân hàng Vietcombank tháng 1/2024

Tuy lãi suất giảm nhanh, song NHNN thừa nhận lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Theo lý giải của ông Phạm Chí Quang, nguyên nhân là do độ trễ, khi tới 50% dư nợ tín dụng tại các ngân hàng đang là cho vay trung và dài hạn.

“Có đến 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, chỉ 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng nằm ở trung và dài hạn.

Các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động”, ông Quang lý giải.

>> Lãi suất ngân hàng OCB mới nhất tháng 1/2024

Loạt ngân hàng thông báo giảm lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn

Chính phủ yêu cầu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất vay, giảm chi phí

Thống đốc: Lãi suất năm 2024 tiếp tục giảm

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lai-vay-giam-cham-hon-lai-huy-dong-do-dau-219154.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lãi vay giảm chậm hơn lãi huy động, do đâu?
POWERED BY ONECMS & INTECH