Lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể lên đến 4,18%

03-03-2022 16:07|Thuý Ngà

Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài, dựa theo 3 kịch bản giá dầu, Dragon Capital dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 có thể lên đến 4,18%.

Dragon Capital vừa có báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 6 và các nước phương Tây bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Theo Dragon Capital, tác động dễ nhìn thấy nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là áp lực lạm phát do giá xăng dầu tăng.

Trích dẫn dự báo của JP Morgan, Dragon Capital cho biết, có 3 kịch bản có thể xảy ra và sẽ có tác động tới giá dầu.

Kịch bản 1: Giá dầu sẽ tăng lên mức 105 USD/thùng nếu Nga tiến hành các biện pháp trả đũa cộng với việc không có thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kịch bản 2: Giá dầu sẽ quanh mức 100 USD/thùng nếu xung đột leo thang và có thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kịch bản 3: Giá dầu sẽ ở mức 88 USD/thùng nếu rủi ro địa chính trị không còn và vẫn đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.

gia-dau.png
Kịch bản lạm phát theo giá dầu thô Brent.Nguồn: Dragon Captial.

Dựa vào ba kịch bản trên, Dragon Capital nhận định lạm phát cơ bản của Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng tương ứng 0,68%; 0,3% và 0,08% so với ước tính hiện tại, dự kiến dao động từ 3,58% đến 3,8% và trong trường hợp xấu nhất có thể đạt mức 4,18% nếu giá dầu lên 105 USD/thùng.

Hiện nay, mặt hàng xăng dầu chiếm tỷ trọng 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7% trong rổ hàng hoá tính lạm phát của Việt Nam.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến giá dầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả diễn biến xung đột tại Ukraine và tiến triển của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, Dragon Capital cũng đánh giá tác động trực tiếp từ giá dầu tăng lên lạm phát Việt Nam là không quá lớn, bởi không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều. Giá nhiên liệu của Việt Nam còn bao gồm nhiều loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế môi trường) cũng như các yếu tố bình ổn giá khác.

Đánh giá chung, Dragon Capital cho rằng ảnh hưởng trực tiếp của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến thương mại của Việt Nam là rất hạn chế, song Việt Nam có thể vẫn chịu tác động gián tiếp từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện và điện tử.

Dragon Capital phân tích, Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và paladium, đây là những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thiết bị điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam không nhập khẩu trực tiếp những vật liệu này từ Nga và Ukraine mà mua từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Do đó, bất kỳ hạn chế nào về nguồn cung cấp hàng hóa của Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất trong lĩnh vực này.

lam-phat-viet-nam.png
Kim ngạch xuất nhập khẩu thiết bị điện tử, máy móc và điện thoại của Việt Nam đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nguồn: Dragon Capital.

Ngoài ra, các nước Đông Á đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây và có thể áp dụng một số biện pháp áp dụng với Nga. Do đó, việc kinh tế Nga bị hạn chế từ các đòn trừng phạt có thể ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam, Dragon Capital nhận định.

Fed giảm lãi suất 0,5%, nhiều nhà đầu tư lo lắng

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-phat-nam-2022-cua-viet-nam-co-the-len-den-418-122972.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể lên đến 4,18%
POWERED BY ONECMS & INTECH