Lạm thu trong trường học
Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm học mới, lạm thu hay loạn thu trong trường học lại trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều. Mặc dù, những năm gần đây, vấn đề lạm thu có xu hướng giảm bớt, nhưng ở nơi này, nơi kia, tình trạng này vẫn gây bức xúc cho không ít phụ huynh.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin phản ánh của phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì, Hà Nội về việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp". Hay ít ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc mua bán đồng phục của một trường trung học phổ thông ở Quận 6, TPHCM. Theo đó, phụ huynh phản ảnh, nhân viên của trường yêu cầu: "Balo phải là balo đồng phục, balo không có logo trường bảo vệ không cho vào. Đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy...". Sau đó, các hiệu trưởng nhà trường kể trên đều lên tiếng bác bỏ, khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin trên mạng xã hội nêu.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, tình trạng này như căn bệnh mãn tính, có suy giảm, nhưng không khỏi hoàn toàn.
Thực tế có nhiều trường buộc phải thu một số khoản để bù đắp vào các khoản mà Nhà nước chưa thể đầu tư hết cho giáo dục. Khi ngân sách Nhà nước hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Bởi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tâm lý "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", nhiều phụ huynh tự nguyện chung tay với nhà trường để có thể tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình. Mọi việc sẽ không trở thành nỗi lăn tăn của nhiều bậc cha mẹ nếu các khoản phụ thu chính đáng và phù hợp với khả năng đóng góp của các gia đình.
Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng và làm đúng về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp, gây bức xúc xã hội. Trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) để xảy ra lạm thu, tiếp đến là trách nhiệm giám sát của ngành giáo dục, của cơ quan chức năng, của ban phụ huynh học sinh.
Nhiều vụ việc lạm thu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.
Nhiều trường hợp ban phụ huynh học sinh cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định.
Dù thế nào, lạm thu tạo thêm áp lực, gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc ở các trường vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. Vấn đề này làm xấu đi hình ảnh môi trường giáo dục, vốn đề cao sự nêu gương. Giáo dục đổi mới thì quản lý giáo dục cũng phải thay đổi – bắt đầu từ hiệu trưởng, từ tư duy quản lý cho đến hành động, sự nêu gương... Thu gì, chi gì, nhất định phải được đưa ra bàn bạc, thỏa thuận với phụ huynh học sinh một cách công khai, minh bạch, chứ không được lạm quyền.
Chống lạm thu rất cần những giải pháp thực tiễn và nghiêm minh. Với gần 23 triệu học sinh đang ở độ tuổi đến trường, chắc rằng ai cũng mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là không để xảy ra ở vùng khó khăn, với những gia đình có kinh tế khó khăn.
Các ban phụ huynh phải phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, tránh tình trạng như hiện nay, ban phụ huynh ở một số nơi trở thành "ban phụ thu". Sự đoàn kết của tất cả phụ huynh, sự công tâm của phụ huynh sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn lạm thu.
Các hiệu trưởng phải vì học sinh thân yêu, nói không với lạm thu. Những hiệu trưởng không lạm thu có thể không có bằng khen, giấy khen, nhưng trong lòng dư luận xã hội khen tặng, đó là thành tích vô cùng cùng cao quý, để làm sao 2 tiếng lạm thu không còn được nhắc tới mỗi dịp năm học mới.
Cưỡng chế dự án trường học trên 'đất vàng’ sau 19 lần đấu giá
Thanh Hóa sẽ cưỡng chế dự án trường học sau 15 lần giảm giá và 19 lần đấu giá