Lần đầu tiên hạt điều Campuchia xuất sang châu Âu, Việt Nam có đối thủ cạnh tranh mới
Ngành điều Việt Nam đã giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp.
Theo Phnom Penh Post đưa tin, lần đầu tiên hạt điều chế biến của Campuchia được Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp MIRARTH chính thức xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, vào cuối năm 2024, MIRARTH đặt mục tiêu xuất khẩu 250 tấn hạt điều chế biến sang châu Âu.
Đây là một cột mốc quan trọng, thể hiện khả năng của Campuchia ngày càng phát triển trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.
Gần đây, MIRARTH đã tổ chức lễ xuất khẩu hạt điều chế biến đầu tiên sang EU với sự tham gia của Samheng Bora, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Chủ tịch Lực lượng đặc biệt xúc tiến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Touch Bun Hour, lãnh đạo từ tỉnh Kampong Thom và đại diện từ Hiệp hội Hạt điều Campuchia (CAC).
Ông Uon Silot, Chủ tịch CAC xác nhận đây là lần đầu tiên, hạt điều chế biến của Campuchia được chính thức xuất khẩu sang EU. Ông cho biết, nhu cầu quốc tế đối với hạt điều ngày càng tăng nên đã thúc đẩy việc lập thêm nhiều nhà máy và doanh nghiệp chế biến trong những năm gần đây.
Ông Silot khẳng định: “MIRARTH giành được quyền xuất khẩu chính thức sang châu Âu là một thành tựu tích cực, vì điều đó có nghĩa là tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh của hạt điều chế biến của chúng tôi đáp ứng các yêu cầu quốc tế".
Ông cho biết thêm, theo dữ liệu từ Bộ Nông Nghiệp, Campuchia hiện đang có khoảng 700.000ha đất dành cho việc trồng điều. Trong đó, khoảng 580.000ha đang được thu hoạch và 120.000ha mới trồng. Hàng năm, sản lượng đạt từ 800.000 đến 1.000.000 tấn.
Ông Silot tuyên bố: “Chúng tôi lạc quan rằng xuất khẩu hạt điều chế biến năm 2025 sẽ cao hơn năm nay, vì nhiều công ty chế biến hạt điều đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ bắt đầu hoạt động".
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, theo Khmer Times đưa tin, nhà máy chế biến hạt điều lớn nhất Campuchia của CSNC (doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore) với vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024 và sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2025.
Nhà máy này có diện tích lên đến 12.000m2, được đặt tại xã Trapeang Russey, huyện Kampong Svay, tỉnh Kampong Thom. Nhà máy có công suất lên đến 40 tấn hạt điều mỗi ngày hoặc hơn 12.000 tấn mỗi năm để xuất khẩu.
Chia sẻ với Khmer Times, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hạt điều Campuchia (CAC) Suy Kokthean cho biết, lô hàng điều chế biến đầu tiên của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước khi đến thị trường bán lẻ và người tiêu dùng, lô hàng sẽ đến Hải Nam (Trung Quốc) để tiến hành đóng gói.
Ông Kokthean cho biết Chính phủ Campuchia (RGC) hiện đang có những chính sách quốc gia về hạt điều nên ông tin rằng tương lai ngành hạt điều của Campuchia sẽ rất tươi sáng. “Tôi tin rằng trong 5 đến 6 năm tới, chúng tôi sẽ có thể trở thành nhà sản xuất hạt điều số 1 thế giới”, ông nhấn mạnh.
Những năm gần đây, ngành điều Campuchia phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành nguồn cung lớn cho Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, xuất khẩu hạt điều của Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 432,57 nghìn tấn, trị giá 480,3 triệu USD, tăng 84,9% về lượng và tăng 52,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ITC, xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 430,65 nghìn tấn, trị giá 476,26 triệu USD, tăng rất mạnh 3.626,2% (gần 37 lần) về lượng và tăng 3.056,3% (gần 31 lần) về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tại Việt Nam, trong 10 tháng năm 2024, đã xuất khẩu được 613,5 nghìn tấn nhân điều chế biến, trị giá 3,6 tỷ USD, tăng 18,7% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã giúp ngành điều Việt Nam giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại phần lớn phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu với lượng lớn hàng đến từ Campuchia.
Theo báo Công Thương, cùng với Châu Phi, Campuchia cũng đang dần hạn chế xuất khẩu thô, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nội địa. Vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã đưa cảnh báo về nguy cơ vị trí số 1 có thể bị lung lay nếu Việt Nam không chủ động được nguồn cung nguyên liệu.
Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam đưa đề xuất để Việt Nam có thể chủ động nguồn cung bằng cách hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và phía Nam của Lào; trong đó gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập nguồn điều thô này về và chế biến.
>>Vì sao tôm hùm mini đang bán tràn ngập chợ, giá chỉ bằng bó rau?