Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/7, hai phương tiện lưu trữ tiền điện tử là ví điện tử và thẻ trả trước.
Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử. Theo đó, quy định mới đã định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử.
Theo khoản 12 điều 3 Nghị định 52, tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Phương tiện lưu trữ tiền điện tử là ví điện tử và thẻ trả trước theo quy định tại khoản 1 điều 6 của Nghị định 52.
Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Theo NHNN, việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52 sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử (theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1255 ngày 21/8/2017).
Từ trước tới nay, tiền điện tử theo quan điểm của một số tổ chức quốc tế lớn vẫn chưa thể có một định nghĩa chung.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mô tả tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành.
Trong khi đó, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) định nghĩa, tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
Vấn đề định nghĩa chung hay sử dụng chung một đồng tiền điện tử để trở thành một phương tiện thanh toán chung vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới hiện nay.
Trước đây, khi pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về thuật ngữ tiền điện tử, người ta hiểu đơn giản theo nhu cầu sử dụng của xã hội tiền điện tử là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số và người ta nhớ ngay tới Bitcoin.
Nay, nếu chiếu theo định nghĩa trong Nghị định 52, Bitcoin không được công nhận là tiền điện tử hợp pháp tại Việt Nam.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Trên thực tế, người ta hiểu Bitcoin là đồng tiền điện tử kỹ thuật số và biết đến như là một tài sản để đầu tư trên thị trường tài chính.
Theo quan điểm một số nước về quản lý và sử dụng Bitcoin như phương tiện thanh toán của các quốc gia trên thế giới, hầu hết đều không cổ vũ giao dịch tiền điện tử cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền KTS.
Một số nước cấm triệt để sử dụng tiền điện tử KTS gồm: Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam.
>>Từ ngày 1/7, Ngân hàng được phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng trong 4 trường hợp
Dùng 10.000 Bitcoin mua 2 chiếc pizza, người đàn ông vô tình vứt đi 17.800 tỷ đồng
2,4 tỷ USD rót vào thị trường tiền điện tử: Dấu hiệu phục hồi?