Từ ngày 1/7, Ngân hàng được phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng trong 4 trường hợp

21-05-2024 21:45|Hoàng Hiếu

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Theo đó, nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.

Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 và các Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Trong đó, theo Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:

- Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;

- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;

- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Từ ngày 1/7, Ngân hàng được phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng trong 4 trường hợp
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet

Trước đây, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP) thì chỉ có 3 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản.

Quy định mới đã có những bổ sung cũng như thay đổi rõ ràng hơn. Cụ thể, quy định mới bổ sung thêm trường hợp phong tỏa khi có thỏa thuận giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thêm nữa, quy định chi tiết hơn về việc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót.

Những nhầm lẫn sai sót được nêu trong quy định là khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.

Ngoài ra, liên quan đến việc tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung. Trước đó, chỉ cần tổ chức tín dụng thấy có xảy ra tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung thì tài khoản sẽ bị phong tỏa.

Nhưng theo quy định mới, chỉ khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng mới được phép phong tỏa tài khoản.

Nghị định cũng nêu rõ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

>>Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán

Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán

NHNN thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-ngay-17-ngan-hang-duoc-phong-toa-tai-khoan-thanh-toan-cua-khach-hang-trong-4-truong-hop-235629.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ ngày 1/7, Ngân hàng được phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng trong 4 trường hợp
    POWERED BY ONECMS & INTECH