Láng giềng Việt Nam ra mắt siêu tàu cao tốc nhanh nhất thế giới: Vận tốc lên tới 400 km/h, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đường sắt
Các nguyên mẫu tàu cao tốc CR450 đã được ra mắt tại Bắc Kinh vào ngày 29/12.
Tàu có tốc độ thử nghiệm lên tới 450 km/h và tốc độ vận hành 400 km/h, đánh dấu bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong công nghệ đường sắt.
CR450 có tốc độ nhanh hơn đáng kể so với các tàu cao tốc CR400 Fuxing hiện tại, với tốc độ vận hành 350 km/h. Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (China Railway) sẽ tiến hành các thử nghiệm trên tuyến và tối ưu hóa các chỉ số kỹ thuật nhằm đưa CR450 vào vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất.
Tiên phong đổi mới
So với các thế hệ trước, CR450 giảm tổng lực cản vận hành xuống 22% và trọng lượng giảm 10%, theo thông tin từ China Railway. Hai nguyên mẫu CR450AF và CR450BF đều có cấu hình 8 toa, gồm 4 toa có động cơ và 4 toa không có động cơ, được sản xuất bởi Tập đoàn CRRC – nhà sản xuất tàu hàng đầu của Trung Quốc.
Các tàu cao tốc này được trang bị hệ thống kéo nam châm vĩnh cửu làm mát bằng nước tiên tiến, cùng hệ thống giá chuyển hướng (bogie) có độ ổn định cao, đảm bảo hiệu suất vượt trội và an toàn khi vận hành.
CR450 sở hữu hệ thống phanh khẩn cấp đa cấp hiện đại và hơn 4.000 cảm biến để giám sát thời gian thực các hệ thống quan trọng, bao gồm thân tàu, bộ truyền động điện cao áp, điều khiển tàu và hệ thống phát hiện cháy. Một hệ thống nhận diện tình huống khẩn cấp từ xa cũng được tích hợp để cải thiện khả năng xử lý sự cố.
Thiết kế mới của CR450 bao gồm vỏ bọc giá chuyển hướng nhằm giảm lực cản không khí ở tốc độ cao, phần đầu tàu thon gọn với kính chắn gió khí động học, cùng vật liệu nhẹ.
Ngoài ra, các kỹ thuật giảm tiếng ồn tiên tiến được áp dụng để giảm độ ồn bên trong tàu xuống 2 decibel, đồng thời không gian phục vụ hành khách được tăng thêm 4% so với các dòng tàu trước.
Những cải tiến này hứa hẹn mang đến bước phát triển mới cho công nghệ đường sắt cao tốc toàn cầu, theo CRRC.
Vươn tầm quốc tế
Kể từ khi khai trương tuyến đường sắt liên thành phố Bắc Kinh – Thiên Tân năm 2008 với tốc độ thiết kế 350 km/h, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới. Các dự án lớn như tuyến Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Kông đã cải thiện đáng kể kết nối và thúc đẩy phát triển khu vực. Đến nay, tổng chiều dài các tuyến đường sắt cao tốc đang hoạt động tại Trung Quốc đạt khoảng 47.000km, theo dữ liệu từ Cục Đường sắt Quốc gia.
Việc mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển công nghiệp dọc các tuyến đường.
Các tàu cao tốc của Trung Quốc – một minh chứng thành công về đổi mới độc lập – đã trở thành “danh thiếp quốc gia” và được chào đón trên toàn cầu.
Chẳng hạn, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung ở Indonesia, bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 10/2023, đã vận chuyển 4 triệu hành khách tính đến tháng 7 năm nay. Đây là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở nước ngoài hoàn toàn sử dụng hệ thống, công nghệ và linh kiện công nghiệp của Trung Quốc.
Tương tự, tuyến đường sắt cao tốc Belgrade – Novi Sad, cũng do Trung Quốc xây dựng, đã kỷ niệm 2 năm hoạt động vào tháng 3 và góp phần cải thiện đáng kể khả năng kết nối tại địa phương.
Kể từ năm 1992, Đại hội Đường sắt Cao tốc Thế giới (UIC World Congress on High-Speed Rail) đã được tổ chức mỗi 2-3 năm. Đại hội lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 7/2025, là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển của Trung Quốc trong ngành đường sắt cao tốc. Trung Quốc cũng đã dẫn đầu trong việc phát triển 13 tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống đường sắt cao tốc do UIC thiết lập, như được công bố tại lễ trao giải Khoa học và Công nghệ Đường sắt Zhan Tianyou lần thứ 17 vào tháng 11 vừa qua.
Theo Xinhua News