Làng nghề bún ở Bình Định đỏ lửa từ sáng, tất bật cận Tết

07-02-2024 10:00|PV

Nhu cầu bánh tráng, bún tăng cao, hàng trăm gia đình ở làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) thuê thêm nhân công, tăng ca kịp trả hàng dịp cận Tết.

Những ngày cận Tết, từ tờ mờ sáng, gia đình ông Nguyễn Anh Chung (43 tuổi, thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã rộn ràng gọi nhau xay bột, làm bún. Người thổi lửa, người xay bột, người chuẩn bị dụng cụ dàn lá bún, tất cả công việc đều được phối hợp nhịp nhàng.

Ông Chung cho biết, cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức tiêu thụ của các sản phẩm bún tăng cao. Những ngày này, tại xã Nhơn Phúc, thời tiết nắng ráo, gia đình ông Chung tăng giờ, tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng.

W-banh-bun-1-1.jpg
Gia đình ông Nguyễn Anh Chung (43 tuổi, thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) có truyền thống làm nghề bún 3 đời (Ảnh: Diễm Phúc).

Nếu như ngày thường, gia đình ông Chung chỉ làm khoảng hơn 50kg bột với nhân công là người thân trong nhà, ngày cận Tết, ông Chung phải thuê thêm lao động bên ngoài vì sản lượng bún tăng lên gấp bội.

>> Cảnh nhộn nhịp ở những làng cá chép phục vụ Tết ông Công, ông Táo

“Ngày thường, gia đình tôi làm ít hơn nhưng ngày Tết sản lượng gấp đôi. Hiện, mỗi ngày, tôi làm 100kg mì và 7kg gạo. Nhưng ngày cận Tết, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công làm mới kịp giao hàng cho khách”, ông Chung chia sẻ.

W-banh-bun-2-1.jpg
Các công đoạn sản xuất đều làm bằng thủ công (Ảnh: Diễm Phúc).

Những sợi bột nối nhau chạy xuống nồi nước nóng đã được nhóm bếp sẵn (Ảnh: Diễm Phúc).

Dù sản lượng ngày giáp Tết có tăng cao nhưng ông Chung và những gia đình ở làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái vẫn giữ công việc thủ công để đưa những sợi bún ngon, chất lượng nhất ra thị trường.

Một tay cầm chiếc phễu đầy ắp bột, bên dưới đã được đục những lỗ nhỏ, ông Chung dùng tay còn lại gõ nhịp nhàng vào phễu bột. Những sợi bột nối nhau chảy xuống nồi nước nóng đã được nhóm bếp sẵn.

W-banh-bun-4-1.jpg
Dùng rổ tre vớt bún đưa vào thau nước để rửa, làm nguội. (Ảnh: Diễm Phúc).
banh bun 42.jpg

Đôi tay vừa cầm phễu múc bột từ cối xay, ông Chung tâm sự: “Các công đoạn làm bún ở đây hầu hết là làm thủ công. Sợi bún phải dùng phễu để tạo hình chứ không dùng máy. Sợi bún to hơn và ngon hơn”.

Thôn An Thái, xã Nhơn Phúc có 795 hộ, trong đó có đến 405 hộ có người tham gia vào Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái và 180 hộ sản xuất chính.

Ngày bình thường, các hộ gia đình đều sản xuất cầm chừng với lao động chủ yếu là người trong gia đình. Dịp Tết, bánh tráng, bún được tiêu thụ mạnh. Hầu hết cơ sở sản xuất đều thuê thêm lao động, giải quyết được lượng lớn việc làm cho người dân địa phương.

Tạo hình thành những lá bún vuông vức trước khi mang đi phơi (Ảnh: Diễm Phúc).

Giá nhân công tăng cao, đã giúp cho nhiều gia đình ở địa phương này có cái Tết no ấm.

Chị Nguyễn Thị Kiều (thôn An Thái) chia sẻ, ngày thường công lao động khoảng 160-180 nghìn đồng/ngày, nhưng trong dịp Tết này, công tăng lên được 240 nghìn đồng/ngày cho nữ và 350 nghìn đồng/ngày cho nam.

Do các công đoạn làm việc vất vả và thủ công, nam giới phải khiêng bánh tráng, bún đi phơi.

W-bun-banh-6-1.jpg
Bãi cát vàng bên bờ sông Kôn rộng khoảng 10ha là nơi để người dân tập trung phơi bánh tráng, bún (Ảnh: Diễm Phúc).

“Chúng tôi làm các công đoạn như bỏ vỉ, phơi bánh, bún, đóng gói sản phẩm. Những ngày này, công việc làm nhiều hơn nhưng bù vào đó giá tiền công cũng tăng lên. Những người lao động như chúng tôi có thêm một khoản thu nhập trang trải cho gia đình trong dịp Tết này”, chị Kiều chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết, bánh tráng và bún là những sản phẩm tiêu thụ rất mạnh trong dịp Tết Nguyên đán nên các hộ dân làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái phải tăng năng suất và sản lượng. Hiện trung bình mỗi cơ sở xuất khoảng 300kg gạo để làm bánh, bún.

W-banh-trang-3.jpg
Những ngày cận Tết, sân phơi chật kín (Ảnh: Diễm Phúc).

Để phát triển bền vững làng nghề, vấn đề môi trường cũng được UBND xã Nhơn Phúc và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Trong đợt sản xuất dịp cận Tết, chính quyền xã Nhơn Phúc tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất bánh, bún phải xử lý nước thải, không được ảnh hưởng đến môi trường.

W-banh-trang-2.jpg

Người dân hối hả mang bún, bánh tráng đi phơi (Ảnh: Diễm Phúc).

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải đảm bảo môi trường. Hiện nay, các cơ sở sản xuất trong làng nghề này đều có bể lắng, bể lọc để xử lý, đồng thời rác thải cũng được thu gom xử lý đúng quy định”, ông Lân nói.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND thị xã An Nhơn, thông tin, nghề làm bánh, bún An Thái (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) có truyền thống từ lâu. Bà con sản xuất bún, bánh quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm giáp Tết, sản lượng tăng cao, giải quyết được lượng lớn lao động thời vụ ở địa phương.

Thị xã An Nhơn đang hỗ trợ xã Nhơn Phúc trong việc xây dựng thương hiệu, đồng thời quảng bá sản phẩm bánh, bún đến với các địa phương trong tỉnh.

W-banh-bun-9-2.jpg
Nhiều người thích thú khi tham quan làng nghề truyền thống này (Ảnh: Diễm Phúc).

Diễm Phúc

>> Cảnh nhộn nhịp ở những làng cá chép phục vụ Tết ông Công, ông Táo

‘Vùng đất lễ hội’ của Việt Nam vừa chính thức có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cách làm bún sườn chua thơm ngon, đậm vị

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lang-nghe-bun-o-binh-dinh-do-lua-tu-sang-tat-bat-can-tet-2247019.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Làng nghề bún ở Bình Định đỏ lửa từ sáng, tất bật cận Tết
    POWERED BY ONECMS & INTECH