Làng nghề mộc giữa lòng Thủ đô 'bảo vệ' tác phẩm điêu khắc nhận liền 2 kỷ lục Việt Nam, nghệ nhân sẵn sàng truyền nghề cho ai có thiện tâm học hỏi
Nghề chạm khắc gỗ ở đây đã tồn tại qua bao thế hệ, trở thành niềm tự hào và là nguồn cảm hứng bất tận cho những nghệ nhân nối nghiệp.
Hà Nội vốn nổi tiếng với danh hiệu vùng đất trăm nghề, là nơi các làng nghề truyền thống kiên trì phát triển qua thời gian. Làng mộc Ngọc Than (Quốc Oai) cũng không phải ngoại lệ. Nghề mộc tại Ngọc Than không chỉ đơn thuần là sinh kế mà còn là một phần di sản văn hóa lâu đời. Nơi mà mỗi thớ gỗ đều mang theo niềm tự hào được các nghệ nhân và người thợ dày công gìn giữ, khắc ghi.
Con đường nhỏ quanh co dẫn lối tôi vào làng mộc Ngọc Than trong một chiều tháng 10. Từ đầu cổng làng, tiếng đục, tiếng cưa đã thi nhau vang lên như khúc giao hưởng mời gọi du khách đến với một làng nghề trăm tuổi.
Nghề chạm khắc gỗ ở Ngọc Than đã tồn tại qua nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Theo lời kể của những người dân trong làng, người Ngọc Than đến với nghề từ khi còn rất trẻ. Sau những năm tháng học việc, những người thợ tuổi mười tám, đôi mươi đã thành thạo, tự tin tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn của bàn tay tài hoa, cống hiến cho làng nghề một sức sống mới, bền vững qua năm tháng.
Nghệ nhân Bùi Trọng Lăng, người đã gắn bó với làng Ngọc Than từ thuở thiếu thời cho đến tận bây giờ, chia sẻ rằng: "Trước đây, người dân làng Ngọc Than chủ yếu làm các đồ gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ và xây dựng nhà mái chảy lợp ngói hay tranh. Đến khoảng năm 2000, làng nghề bắt đầu phát triển thêm mảng chạm khắc gỗ cao cấp, dần đưa tên tuổi Ngọc Than nổi bật trên bản đồ làng nghề Việt Nam. Ngày nay, các sản phẩm chủ lực của làng là đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, áng văn, cuốn thư và phục dựng các công trình đình, chùa cổ".
Khi được hỏi về "bí quyết" trong nghề, nghệ nhân Bùi Trọng Lăng khiêm tốn chia sẻ
Được biết, Ngọc Than hiện có hơn 1.700 hộ dân, trong đó có khoảng 160 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp cũng như mộc dân dụng. Những cơ sở này không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nghề chạm khắc gỗ ở Ngọc Than đã tồn tại qua nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Đặc biệt, thời gian gần đây làng mộc Ngọc Than cũng đã ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, bán hàng, giúp những câu chuyện, sản phẩm của họ đến gần hơn với mọi người. Điều này đã mở ra cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển cho làng nghề truyền thống.
Trong những năm gần đây, làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than ngày càng nổi tiếng nhờ vào những sản phẩm cao cấp được chạm khắc thủ công với độ tinh xảo đặc biệt. Các sản phẩm thờ cúng và trang trí như hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng cùng những bức tranh khắc gỗ dựa trên các điển tích xưa với nhiều kích cỡ khác nhau đã thu hút người dùng từ khắp nơi tìm về Ngọc Than đặt hàng.
Làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than ngày càng nổi tiếng nhờ vào những sản phẩm cao cấp được chạm khắc thủ công.
Không chỉ vậy, những người thợ tài hoa nơi đây còn thành công trong việc phục dựng nhiều công trình kiến trúc cổ bằng gỗ tự nhiên, từ đình, đền đến chùa trên khắp cả nước.
Đáng chú ý gần đây là tác phẩm điêu khắc gỗ “Vinh quy bái tổ” đã xác lập hai kỷ lục Việt Nam, đánh dấu một bước tiến đáng tự hào cho nghệ thuật chạm khắc làng nghề Ngọc Than.
Tác phẩm "Vinh quy bái tổ"
Anh Bùi Trọng Quân, chủ xưởng gỗ Bùi Gia tại làng nghề Ngọc Than, đầy tự hào khi nói về tiềm năng của nghề chạm khắc gỗ truyền thống: “Nghề chạm khắc gỗ chưa bao giờ mai một, bởi trong văn hóa người Việt, các sản phẩm từ gỗ luôn có sức hút riêng nhờ vào độ bền và vẻ đẹp vượt thời gian”.
Theo anh Quân, khi đời sống ngày càng phát triển, người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi chất lượng mà còn yêu cầu mẫu mã phải tinh xảo, độc đáo. Điều này đồng nghĩa với việc tay nghề và sự sáng tạo của người thợ cũng phải không ngừng nâng cao để đáp ứng xu hướng mới, giữ cho nghề luôn phát triển.
Anh Bùi Trọng Quân, chủ xưởng gỗ Bùi Gia tại làng nghề Ngọc Than
Anh Quân tâm sự, mỗi năm xưởng gỗ của anh đều đón nhận một bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, để dạy nghề hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ cả ăn ở và phụ cấp. Với anh, đây không chỉ là một hành động giúp đỡ, mà còn là cách gìn giữ và truyền lại tinh hoa của nghề cho thế hệ kế thừa. “Giữa lúc nghề chạm khắc đang dần mai một, tìm được người thật sự yêu nghề và có thể tạo ra những nét đục đẹp là điều rất khó. Chỉ cần ai có thiện tâm học hỏi, tôi luôn sẵn sàng truyền nghề”, anh bộc bạch.
Xưởng gỗ Bùi Gia (Ngọc Than, Quốc Oai, Hà Nội)
Tại Ngọc Than, những người thợ với sự cần cù, khéo léo và óc sáng tạo đã tạo nên các tác phẩm chạm khắc độc đáo và giá trị. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, các sản phẩm này còn truyền tải đậm nét văn hóa dân tộc, giữ gìn hồn Việt qua từng đường nét tinh xảo, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống đến các thế hệ tương lai.