Lão nông nhặt được cục vàng, nung lên bán với giá 5 triệu đồng: Chính quyền tìm tới tận nhà, nhận định 'báu vật' có giá trị cao gấp 138.000 lần
Sai lầm nghiêm trọng của lão nông Trung Quốc khiến chuyên gia bất lực.
Một câu chuyện xảy ra vào năm 1970 đã gây chấn động khắp Trung Quốc. Nhân vật chính là một người đàn ông họ Vương, sống ở tỉnh Nội Mông. Trong một lần đi nhặt phế liệu, ông tình cờ phát hiện một vật sáng bóng dù bị chôn vùi dưới đất trong nhiều ngày. Tò mò, ông nhặt lên và nhận ra đó là một khối vàng nặng khoảng 5kg.
Khi mang về nhà, ông Vương rửa sạch khối vàng và phát hiện nhiều họa tiết như chim muông, rồng bay phượng múa được khắc trên đó. Nhận thấy đây có thể là một vật có giá trị, ông quyết định mang tới ngân hàng để kiểm tra. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng từ chối mua lại do vàng có chứa nhiều tạp chất. Sau khi thương lượng, ông đồng ý để ngân hàng nung chảy khối vàng và bán nó với giá 1.500 NDT (tương đương khoảng 5 triệu đồng).
Vào năm 1970, 1.500 NDT là một số tiền không nhỏ, đặc biệt đối với một người nông dân lam lũ như ông Vương. Bởi vậy, ông rất hài lòng với số tiền này và vui vẻ trở về nhà.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, câu chuyện ông Vương bán khối vàng cho ngân hàng lan truyền nhanh chóng. Điều này thu hút sự chú ý của chính quyền và các chuyên gia văn hóa, lịch sử. Họ nghi ngờ rằng vật mà ông bán có thể là một di sản văn hóa quý giá của quốc gia, nên đã tìm đến nhà ông Vương để điều tra thêm.
Từ những miêu tả chi tiết của ông lão, các chuyên gia đã kết luận rằng cục vàng mà ông vô tình nhặt được rất có thể là một di vật quý giá của người Hung cổ đại, mang giá trị lịch sử lên đến hàng nghìn năm. Theo ước tính, món đồ này có thể được định giá tới 200 triệu NDT (tương đương 690 tỷ đồng). Như vậy, "báu vật" này có giá trị thực cao gấp 138.000 lần so với số tiền mà ông Vương nhận được. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do thiếu hiểu biết, ông lão đã đem cục vàng đi nung chảy khiến "báu vật" không thể phục hồi.
Sự việc ông Vương đã làm dấy lên mối lo ngại về việc bảo vệ di sản văn hóa. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đã ban hành "Luật bảo vệ di tích văn hóa", quy định mọi di tích văn hóa, bất kể được tìm thấy ở đâu trên lãnh thổ Trung Quốc đều thuộc sở hữu của Nhà nước. Điều này nhằm bảo vệ các di sản khỏi bị hư hỏng, mất mát và được bảo tồn cẩn thận.