Lật lại thảm họa hàng không kinh hoàng bậc nhất lịch sử: Máy bay phát nổ sau 32 phút cất cánh khiến 520 người thiệt mạng, xác định nguyên nhân do lần sửa chữa cách đó 7 năm
Vụ tai nạn này được xác định là một trong những sự cố hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Thảm họa không tưởng trong lịch sử hàng không
Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay mang số hiệu 123 của hãng hàng không Japan Airlines đã gặp phải một tai nạn thảm khốc, trở thành là một trong những sự cố hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Chiếc máy bay Boeing 747SR dự kiến thực hiện hành trình từ sân bay Tokyo Haneda đến thành phố Osaka với thời gian bay chỉ khoảng 54 phút.
Thời điểm đó, Nhật Bản đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Ngày lễ Obon, một dịp lễ lớn của người Nhật, người dân thường trở về đoàn tụ cùng gia đình. Cũng bởi vậy, chuyến bay này cũng chật kín với 509 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Không ai ngờ rằng, hành trình đoàn tụ này lại hóa thành thảm kịch đau thương khi máy bay gặp tai nạn bất ngờ.
Lúc 18h12 (giờ địa phương), JAL123 cất cánh từ đường băng 16L tại sân bay Haneda. Chuyến bay diễn ra bình thường cho đến 12 phút sau, khi một vụ nổ lớn xảy ra. Lực nổ làm máy bay rung lắc dữ dội, xé toạc phần trần trên nhà vệ sinh ở phía đuôi. Cùng lúc đó, mặt nạ dưỡng khí được thả xuống và hệ thống phát thanh tự động phát đi thông báo khẩn cấp.
Không khí trong cabin nhanh chóng trở nên hỗn loạn khi một lớp sương trắng bao phủ, được cho là hơi nước ngưng tụ do giảm áp suất đột ngột. Giấy tờ và các vật dụng không cố định bay tứ tung. Hành khách gào thét trong hoảng loạn, giữa cảnh tượng hỗn độn đầy ám ảnh.
Mặc dù các thông số ban đầu không chỉ ra vấn đề nghiêm trọng nhưng phi công nhận thấy áp lực dầu trong hệ thống điều khiển thủy lực đang giảm mạnh. Máy bay liên tục đổi hướng và mất kiểm soát, khiến đội ngũ phi hành đoàn phải gắng sức để cố định hành trình và tìm cách hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, nỗ lực bất thành. Chiếc máy bay tiếp tục lao xuống với tốc độ khủng khiếp ước tính khoảng 5.500m/phút.
Trước khi tai nạn xảy ra, nhiều hành khách đã chấp nhận số phận và viết lại những lời nhắn gửi người thân trên các mảnh giấy vụn. Sau khi rơi tự do, chiếc máy bay lao vào khu rừng rậm trên núi Osutaka (Takamagahara) chỉ 32 phút sau khi cất cánh. Đầu cánh phải và động cơ số 4 va chạm mạnh với cây cối, bị đứt lìa. Máy bay tiếp tục đâm vào một sườn núi rồi trượt dài xuống khe núi bên cạnh, bị lộn ngược trước khi dừng lại và phát nổ. Các mảnh vỡ văng tung tóe, hiện trường chìm trong khung cảnh đổ nát và tan hoang như ngày tận thế.
Ngay trong đêm 12/8, lực lượng quân tự vệ Nhật Bản đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, một sai lầm nghiêm trọng xảy ra khi họ kết luận rằng không còn ai sống sót và quyết định ngừng tìm kiếm. Mãi 14 giờ sau vụ tai nạn, đội cứu hộ mới tiếp cận khu vực và bất ngờ phát hiện bốn hành khách vẫn còn sống sót, gồm Yumi Ochiai, Keiko Kawakami, Hiroko Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki. Tuy vậy, 520 người còn lại đã không qua khỏi.
Nguyên nhân do một sai sót kỹ thuật từ 7 năm trước sự cố
Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, chiếc Boeing 747 đã mất gần như toàn bộ phần đuôi - khu vực chứa hệ thống thủy lực khiến cho máy bay bị mất kiểm soát. Lật lại sự việc, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng bảy năm trước khi thảm kịch xảy ra, chiếc máy bay này từng gặp sự cố nghiêm trọng do lỗi "dập đuôi" khiến phần đuôi đập mạnh vào đường băng trong lúc cất cánh.
Tuy nhiên, quy trình sửa chữa sau đó lại không được thực hiện đúng tiêu chuẩn. Theo nguyên tắc, vách ngăn bị thủng cần được nối bằng hai hàng đinh tán để đảm bảo độ bền, nhưng các kỹ thuật viên chỉ sử dụng một hàng đinh tán duy nhất. Điều này khiến hàng đinh tán phải chịu áp lực gấp đôi so với mức cho phép.
Kể từ lần sửa chữa đó, chiếc máy bay đã thực hiện tổng cộng 20.319 chuyến bay. Đến khi đạt độ cao 7.300m trong chuyến bay định mệnh, sự chênh lệch áp suất giữa bên trong cabin và không khí bên ngoài đã tạo áp lực khổng lồ, làm phần vách ngăn bị xé toạc dẫn đến thảm họa kinh hoàng.
Ngày nay, chiếc Boeing 747 xấu số cùng với những di vật của hành khách trên chuyến bay định mệnh được trưng bày tại bảo tàng của hãng hàng không Japan Airlines như một lời nhắc nhở đầy đau xót về sự cần thiết của việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn trong ngành hàng không.