Lệnh áp giá trần của châu Âu ảnh hưởng như thế nào đến dầu Nga?

07-12-2022 14:02|Hải Đăng

Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2022. Điều này có khả năng gây gián đoạn một phần hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga.

Thứ sáu tuần trước (2/12), Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp giá trần lên dầu Nga ở mức 60 USD/thùng, nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moscow. Mức trần giá này còn kèm theo cơ chế giữ giá thấp hơn 5% so với thị trường, và EU cũng sẽ xem xét lại mức trần mỗi 2 tuần để có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Theo CNBC, để đáp trả lại lệnh cấm vận này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho bất cứ quốc gia nào áp dụng mức trần giá.

Trong các bình luận được đăng trên Telegram mới đây, Đại sứ quán Nga tại Mỹ thậm chí còn chỉ trích các quốc gia phương Tây và gọi hành động áp giá trần này là "phá vỡ và đi ngược lại" các nguyên tắc thị trường tự do.

EU đã thống nhất mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu Nga, trong khi Nga cương quyết không bán cho bất cứ nước nào áp dụng lệnh trần giá. Ảnh: Reuters

Lệnh trừng phạt trần giá và bảo hiểm

Trên thực tế, ngay cả sau khi lệnh cấm vận có hiệu lực, Nga được cho là vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu một lượng dầu đáng kể sang châu Âu, vì gói trừng phạt thứ 8 của EU chỉ áp dụng cho việc vận chuyển dầu bằng đường biển, trong khi 2/3 lượng dầu mà Nga gửi đến châu Âu được vận chuyển bằng đường ống và không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Theo công ty tình báo thương mại VesselsValue - chuyên theo dõi các giao dịch dầu thô - Nga vẫn xuất khẩu khoảng 15 triệu thùng dầu sang các nước châu Âu trong tháng 11 vừa qua, cho thấy sự sụt giảm nhẹ chứ không quá nhiều.

Hơn nữa, ông Peter William - giám đốc của VesselsValue - cho biết: "Bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc, Nga vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường khác để xuất khẩu dầu mỏ, do đó số lượng dầu bán ra có thể không bị ảnh hưởng mạnh".

Ngoài ra, kế hoạch của EU trong việc thực thi lệnh cấm vận là nhắm vào bảo hiểm. Tàu không có bảo hiểm sẽ không thể vào cảng hoặc tuyến đường biển quốc tế, và khoảng 95% tất cả bảo hiểm hàng hải được phát hành ở Anh.

Nga đã đối phó bằng cách củng cố công ty bảo hiểm hàng hải của riêng mình - Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Nga (RNRC). Công ty này đã được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tái cấp vốn và bảo lãnh, giúp nó có hiệu lực bảo hiểm vô hạn để thay thế bảo hiểm của châu Âu.

Cho đến nay, Ấn Độ đã chấp nhận bảo hiểm của Nga, còn Trung Quốc thì tỏ ra thận trọng hơn.

Tắc nghẽn tàu chở dầu trên biển

Mặc dù sản lượng dầu xuất khẩu của Nga chưa sụt giảm nhiều, tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu lại gia tăng.

Theo dữ liệu của AIS, hiện tại có 19 tàu chở dầu đang chờ giấy phép để đi vào eo biển Bosporus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỹ và Hy Lạp. Tàu đầu tiên đã đến đây vào ngày 29/11 và xếp hàng chờ đợi 6 ngày nhưng vẫn chưa được qua.

Nguyên nhân vụ tắc nghẽn là Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu xác nhận bổ sung về việc bảo hiểm tàu chở dầu. Cụ thể, các nhà chức trách ở Ankara yêu cầu các công ty bảo hiểm cần đảm bảo bất kỳ tàu nào đi qua eo biển của họ đều được bảo hiểm đầy đủ.

Theo nhiều chuyên gia, các tàu chở dầu đang chờ đợi trong và xung quanh vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mức giá trần đối với dầu Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong khi lượng dầu thô giảm nhẹ, lượng dầu diesel xuất khẩu từ Nga sang châu Âu lại tăng trong khoảng thời gian tháng 10-11/2022. Được biết, các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu diesel của Nga sẽ bắt đầu vào tháng 2 năm sau.

‘Đại gia dầu mỏ’ xây khối lập phương giữa sa mạc đếm không xuể kỷ lục: Công trình không bao giờ nhìn thấy mái, chứa được 20 tòa nhà cao nhất New York

‘Đại gia’ dầu mỏ châu Á ‘quay lưng’ với đồng USD: BRICS Pay sắp ra đời, tham vọng soán ngôi Visa, Mastercard

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lệnh áp giá trần của châu Âu ảnh hưởng như thế nào đến dầu Nga?
    POWERED BY ONECMS & INTECH