Khi cổ phiếu CEO - DIG giảm 70 - 80% giá trị, danh mục chứng khoán của Licogi 14 (L14) cũng giảm dần về 0. Đó cũng là lúc "thầy A7" Nguyễn Mạnh Tuấn rời vai trò lãnh đạo.
CTCP Licogi 14 (Mã L14 - HNX) vừa công bố nghị quyết triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo với nhiều nội dung đáng chú ý.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, liên quan đến mảng đầu tư tài chính, phía L14 cho biết sẽ xem xét tái đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua một số cổ phiếu nhóm bất động sản, công nghệ thông tin, sắt thép, phân bón.
“Công ty xác định đầu tư theo quý/năm, khi thị trường phát triển tốt thì sẽ linh hoạt trong điều hành để đạt hiệu quả”, Nghị quyết HĐQT nêu rõ.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Licogi 14 không còn ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh trong khi đầu năm vẫn còn 14 tỷ. Trong khi đó, khoản tiền gửi ngắn hạn tăng gấp đôi lên mức 114 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 của Licogi 14 |
Về bộ máy HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, danh sách được thông qua tại ĐHCĐ không có sự xuất hiện của ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thầy A7). Với việc không còn trong bộ máy lãnh đạo Licogi 14, ông Tuấn và những người có liên quan sẽ không phải công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu L14 trừ trường hợp nâng sở hữu lên trên 5% (ông Tuấn và chị gái Nguyễn Thúy Ngư hiện đang sở hữu lần lượt 183.400 và 830.700 cổ phiếu L14).
Tuy nhiên, việc "người thầy quốc dân" không còn đảm nhiệm vai trò tại L14 đã đem đến nhiều bất ngờ cho không ít nhà đầu tư trên thị trường bởi sức ảnh hưởng của vị lãnh đạo đến công ty ông tham gia quản trị.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1970 tại Hà Đông, TP. Hà Nội) được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT Licogi 14 từ tháng 4/2016. Không chỉ được biết đến với vai trò là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Tuấn cũng được giới đầu tư chứng khoán trong nước biết đến với tư cách là một chuyên gia đầu tư - "cha đẻ" của những phát ngôn/dự báo giá cổ phiếu gây tiếng vang trong giai đoạn thị trường bùng nổ năm 2021.
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy sau khi chứng kiến kết quả kinh doanh giảm mạnh trong năm đầu COVID-19, vai trò và dấu ấn của "thầy A7" bắt đầu trở nên đậm nét khi Licogi 14 có cú bứt phá lợi nhuận năm 2021 với 372 tỷ đồng dù doanh thu thuần chỉ đạt 167 tỷ.
Trong cơ cấu tổng thu, mảng bất động sản, thu từ bán xăng dầu và vật liệu xây dựng, doanh thu hợp đồng xây dựng vẫn là các nguồn chủ lực của L14. Lợi nhuận thuần mảng kinh doanh cốt lõi cùng năm đạt 75 tỷ đồng - tương đương biên lãi gộp đạt 45%.
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2021 của Licogi 14 |
Từ một công ty xây dựng thuần túy, sự xuất hiện của Thành viên HĐQT Nguyễn Mạnh Tuấn đã nhanh chóng giúp Licogi 14 có khoản lãi đậm nhất lịch sử hoạt động. Đáng nói, phần lãi này chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư chứng khoán thay vì lĩnh vực kinh doanh chính.
Ghi nhận, dấu ấn lớn nhất trong năm 2021 đến từ hoạt động tài chính với 486 tỷ đồng lần đầu xuất hiện trong danh mục "chứng khoán kinh doanh" qua đó giúp Licogi 14 thu về 387 tỷ đồng lợi nhuận tài chính.
CEO - DIG chính là 2 nhân tố chủ lực giúp lãi ròng năm 2021 của L14 tăng bằng lần. Theo báo cáo tài chính kiểm toán cùng năm, doanh nghiệp của "thầy A7" đã mua vào 7,6 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và gần 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) với tổng giá gốc hơn 486 tỷ đồng.
Với sự mát tay của cổ đông Licogi 14, trên thị trường, cổ phiếu CEO và DIG bất ngờ tăng phi mã hàng trăm % từ vùng 15.x - 25.x đồng lên 90.000 - 100.000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu DIG (Vàng), CEO (Xanh) và L14 (Đỏ) |
Thời điểm đó, trên một số buổi livestream chia sẻ kinh nghiệm đầu tư với cổ đông, ông Tuấn đã để lại phát ngôn - sau đó đã trở thành thương hiệu: "Cái tầm nhìn anh "Bẩy" khác, nó khác xa với tất cả những em ở đây! Anh đã trải nghiệm những năm 2006 - 2007 rồi. Cái cổ đất tốt như con DIG - CEO nó phải 500.000 là rẻ rách".
Kể từ thời điểm "sóng lên" cuối quý 3/2021, theo dõi bảng điện tử, nhà đầu tư dễ dàng bắt gặp diễn biến đồng pha của "tam tấu" CEO - DIG - L14 hoặc cùng tăng hoặc cùng giảm. Đây cũng là giai đoàn dòng tiền đầu cơ bắt đầu đổ mạnh vào các mã này.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn trong một buổi livestream chia sẻ kinh nghiệm đầu tư (Ảnh chụp màn hình) |
"Giàu lên" nhờ cổ đất và cũng yếu đi vì cổ đất; sau cú sốc FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát xoay quanh các vấn đề trái phiếu, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, VN-Index hiện thấp hơn 30% so với đỉnh cũ tháng 4/2022; hàng trăm cổ phiếu đã giảm 30 - 70% giá trị dù đã có nhịp hồi từ mức thấp điểm giữa tháng 11/2022.
Kết phiên 19/5/2023, cổ phiếu DIG hiện giao dịch tại mức 19.750 đồng - giảm 80% so với đỉnh cũ tháng 1/2022; CEO cũng giảm 73% về còn 25.x đồng thị giá. Từ vị thế của những "công thần", CEO - DIG trở thành những cổ phiếu khiến Licogi 14 "thua đau" và phải ngậm ngùi cắt lỗ.
Đến cuối năm 2022, danh mục chứng khoán đầu tư của L14 chứng kiến sự biến mất của cổ phiếu DIG trong khi khoản nắm giữ tại CEO chỉ còn 500.000 cổ phiếu (giá gốc 9,25 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Licogi 14 |
Sau đó 3 tháng, tại báo cáo tài chính quý 1/2023, công ty tiếp tục "dọn dẹp" danh mục và đưa giá trị đầu tư chứng khoán về 0. Quý này, L14 báo doanh thu 31 tỷ đồng - tăng 72% YoY; lãi sau thuế giảm 64% về còn 3,2 tỷ.
Từng là cổ phiếu có giá đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán giai đoạn đầu năm 2022, sau đổ dốc, cổ phiếu L14 chỉ còn là nỗi buồn của nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã lỡ tay đu đỉnh; những chuỗi "đánh trần/đạp sàn" liên tiếp không khỏi khiến cổ đông hoang mang.
Xét theo độ rộng, Mã L14 đã rơi từ mức đỉnh lịch sử 440.000 đồng (giá trước điều chỉnh phiên 12/1/2022) về còn 18.300 đồng (phiên 15/11 - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019) - tương ứng giảm hơn 96%.
Biến động giá cổ phiếu L14 trước và sau khi tạo đáy hồi giữa tháng 11/2022 |
Với mức giảm trên, L14 trở thành một trong số những cổ phiếu mất giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán năm 2022 cũng như trong 17 tháng trở lại đây.
Dù đã được kéo trở lại song đã 3 tháng qua cổ phiếu này vẫn chưa thể bứt khỏi vùng giá 40.000 - 60.000 đồng. Kết phiên sáng 19/5/2023, sau thông tin ông Nguyễn Mạnh Tuấn không còn tham gia HĐQT công ty, cổ phiếu L14 giảm gần 7% về mức 46.600 đồng; khớp lệnh đột biến 1,24 triệu đơn vị.