Liên tục giảm giá, "siêu thị nợ xấu Big 4" vẫn kén khách

05-07-2022 14:50|Linh Linh

Nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng trong "Big 4" liên tục rao bán, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn chưa thể xử lý tại đầu tháng 7/2022.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Vietcombank (HoSE: VCB) chi nhánh Cà Mau vừa thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty xuất nhập khẩu Tân Phú. Ngân hàng không công bố thông tin tổng dư nợ của doanh nghiệp.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm nhà và đất trên lô đất rộng 293,3 m2 tại số F1, C4 khu Cư xá Tân Cảng, đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Giá khởi điểm Vietcombank đưa ra là 35,6 tỷ đồng, ngân hàng cho biết đây là lần thứ 3 khoản nợ này được rao bán. Nếu so với lần rao đầu tiên ngày 21/4, giá khởi điểm đã giảm hơn 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản nợ của công ty xuất nhập khẩu Tân Phú, Vietcombank chi nhánh TP HCM cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của công ty TNHH Kim loại Việt Phong để thu hồi nợ.

Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên là quyền sử dụng 1.428 m2 đất tại thửa đất số 424, tọa lạc tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM. Vietcombank cho biết mục đích sử dụng là đất cụm công nghiệp (xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân), thời gian sử dụng đến ngày 27/9/2055.

Giá khởi điểm cho tài sản trên là 12,8 tỷ đồng, giảm 1,3 tỷ đồng so với lần đăng thông báo hồi tháng 6/2021.

Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Vertical Synergy Viet Nam.

Theo đó, tổng dư nợ của Vertical Synergy Viet Nam tại BIDV tính đến ngày 21/6/2022 là 471 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc là hơn 347 tỷ đồng và dư nợ lãi là gần 124 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của khoản nợ là 471 tỷ đồng, bằng tổng giá trị khoản nợ như đã nêu trên.

BIDV hiện cũng đang đấu giá một khoản nợ có giá trị lớn khác là dự án nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư.

Các tài sản đấu giá bao gồm toàn bộ tài sản đã hình thành thuộc dự án và liên quan đến dự án nhà máy thủy điện Tân Thượng (công suất thiết kế 22MW) thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết giữa Công ty Cổ phần Năng Lượng Tân Thượng và BIDV.

Giá khởi điểm được phía BIDV công bố là 362 tỷ đồng. Được biết, đây là lần thứ 6 ngân hàng này rao bán các tài sản nêu trên.

Một ngân hàng khác trong "Big 4" là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Sài Gòn vừa thông báo thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VNB (Công ty VNB) để xử lý, thu hồi nợ xấu.

Agribank chi nhánh Sài Gòn cho biết đến cuối tháng 6/2022, Công ty VNB còn nợ ngân hàng này hơn 60 tỷ đồng, trong đó 57,2 tỷ đồng là nợ gốc còn lại là phần nợ lãi.

Vừa qua, Agribank thông báo sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi khoản nợ xấu của Công ty VNB theo đúng quy định pháp luật.

Cùng ngày, Agribank chi nhánh Sài Gòn cũng thông báo tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lý Vũ để xử lý, thu hồi nợ xấu. Tổng giá trị khoản nợ là 84 tỷ đồng. trong đó nợ gốc là 79,9 tỷ đồng và nợ lãi là 4 tỷ đồng.

Về phía VietinBank (HoSE: CTG) chi nhánh Thăng Long thông báo đang tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ của CTCP Bánh kẹo Đỗ Thành Đạt. Tính đến ngày 1/7, tổng dư nợ của doanh nghiệp nêu trên tại VietinBank là hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 6,8 tỷ, còn lại là lãi và lãi phạt.

VietinBank không công bố mức giá cụ thể cho 3 tài sản đảm bảo nêu trên, tuy nhiên ngân hàng cho biết giá bán và phương thức bán sẽ được thỏa thuận khi có khách hàng quan tâm.

Bên cạnh tài sản thế chấp của CTCP Bánh kẹo Đỗ Thành Đạt, VietinBank chi nhánh Đông Anh cũng có một thông báo đang tiến hành xử lý tài sản bảo đảm của một khách hàng khác thông qua hình thức bán tài sản để thu hồi nợ.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Đại diện Agribank cho rằng, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Do vậy, trên trang thông tin của các ngân hàng, những thông báo về lựa chọn bán đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp liên tục xuất hiện, nhưng nhiều khoản nợ giá trị lớn dù hạ giá nhiều lần, rao bán trong nhiều năm vẫn “ế”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng, những vấn đề nêu trên ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thì cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Vì thế, vị này đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba trong các tình huống: giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn.

Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, các ngân hàng cần lưu ý thẩm định tài sản thế chấp chặt chẽ; kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp để tránh những phát sinh, vướng mắc dẫn đến việc giải quyết án tín dụng còn chậm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hoạt động ngân hàng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh nên cần có dự phòng tài chính cho việc xử lý các khoản nợ xấu này.

Nhưng với thực tế hiện nay, nếu chỉ có nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng và người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

Sau khi chuyển giao về tay Vietcombank, CBBank tăng lãi suất tiết kiệm lên gần 6%

Khách hàng Vietcombank, Agribank, VietinBank vẫn có thể rút tiền tại máy ATM nếu chưa xác thực sinh trắc học

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lien-tuc-giam-gia-sieu-thi-no-xau-big-4-van-ken-khach-138859.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Liên tục giảm giá, "siêu thị nợ xấu Big 4" vẫn kén khách
    POWERED BY ONECMS & INTECH