Các chuyên gia đánh giá, nếu đồng đô la Mỹ bị soán ngôi thì đó sẽ là do Mỹ bị tụt hậu về sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh, chứ không chỉ đơn thuần do vận động địa chính trị.
Sức mạnh của đồng đô la Mỹ là chủ đề chính trên thị trường toàn cầu kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái. Bất chấp việc Fed có thể tạm dừng lãi suất từ tháng 5 và cắt giảm vào cuối năm nay, thì giá trị của đồng USD vẫn đắt đỏ so với một số đồng tiền quan trọng khác.
Điều này cũng đang xuất hiện tại các cuộc thảo luận về “giảm đô la hoá” trong thương mại và tài chính toàn cầu, hướng tới sự đa dạng hơn của các loại tiền tệ. Trước đây, mọi người thường tập trung vào đồng Yên Nhật và đồng Euro, nhưng giờ đây, đồng Nhân dân tệ đang nổi lên như một đối thủ rõ ràng với USD.
Những thách thức trong quá khứ đối với sự thống trị của đồng USD trên toàn cầu dường như không là gì, vì cả đồng Yên và đồng Euro đều không thể soán ngôi đồng bạc xanh, chủ yếu là do Mỹ vượt trội so với các nền kinh tế từ góc độ vĩ mô.
Chia sẻ trên SCMP, ông David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Invesco phân tích, giảm phát đã xảy ra tại Nhật Bản khi Ngân hàng Trung ương nước này bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, bao gồm can thiệp thị trường và lãi suất dài hạn ở mức thấp nhất. Sức mạnh của Nhật Bản trong hoạt động kinh tế - tài chính toàn cầu sau đó đã giảm đi nhanh chóng.
Còn khu vực đồng Euro thì trái ngược với Nhật Bản, bởi sức hấp dẫn của đồng tiền này dựa vào địa chính trị cũng như sức mạnh kinh tế vĩ mô và tài chính. Sự ra đời của đồng Euro vào năm 1999 đã mang lại nhiều điều hơn là sự hài hòa của một khối kinh tế Tây Âu, vốn có dân số đông hơn Mỹ và có tính cạnh tranh về tổng sản phẩm quốc nội, năng suất cũng như công nghệ.
Họ đã đưa ra một mô hình tăng trưởng độc đáo, yêu cầu mỗi thành viên mới của Liên minh châu Âu phải được kết nạp theo từng giai đoạn, mang lại cho khu vực đồng Euro cách mở rộng mới thông qua tăng trưởng kinh tế, đồng thời bổ sung thêm dân số vào nền kinh tế chung. Tuy nhiên, đồng Euro vẫn đứng thứ hai sau đồng đô la Mỹ khoảng 25 năm từ khi ra mắt.
“Không giống như Hoa Kỳ, việc mở rộng thị trường và đồng tiền chung của EU không đi kèm với sự thống nhất ngày càng sâu sắc hơn về chính trị và quản lý kinh tế. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro năm 2010-2012 cho thấy, trái phiếu Chính phủ không thể thay thế được và rủi ro Chính phủ tiềm ẩn với rủi ro tài chính là khác nhau”, ông David Chao phân tích.
Với những ví dụ như trên cũng đặt ra vấn đề làm sao chúng ta có thể đánh giá về thách thức tiền tệ từ Trung Quốc? Vị chuyên gia cho rằng, không giống như Nhật Bản và EU, những nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc rất rõ ràng và có chủ ý, bằng cách Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể tài chính toàn cầu sử dụng đồng tiền của họ, song song với quá trình mở rộng kinh tế chung của đất nước.
Theo đó, chính sách của Trung Quốc đã rẽ sang một hướng khác vào năm 2015, khi đồng Nhân dân tệ chịu áp lực và chính quyền phá giá đồng tiền trong khi thắt chặt kiểm soát vốn đối với người dân. Đặc biệt, các sự kiện gần đây cho thấy, một số nền kinh tế đang phát triển mong muốn chuyển hướng khỏi đồng đô la Mỹ.
Cụ thể, Nga và Trung Quốc đang giao dịch khí đốt bằng Nhân dân tệ và đồng Rúp. Ả Rập Saudi cũng đang xem xét giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ với Trung Quốc. Hay Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva cho biết, ông ủng hộ một loại tiền tệ giao dịch thay thế cho nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Có thể giai đoạn này đang rất hấp dẫn, nhưng chúng chưa thể tạo ra những tác động tài chính quan trọng. Tỷ trọng thanh toán quốc tế bằng đồng đô la Mỹ vẫn gần như ổn định ở mức khoảng 40%, trong khi đồng Euro chiếm khoảng 30% các giao dịch ngoài khu vực đồng Euro. Mặt khác, tỷ lệ dự trữ của đồng USD cũng tăng đáng kể so với mức thấp nhất sau năm 2008.
Các hệ thống thanh toán song song như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) đang phát triển, song thông tin hiện có cho thấy chúng ít ảnh hưởng đến việc định giá thương mại, dự trữ quốc tế hoặc tài sản tài chính nói chung. Hiện tại, việc tiếp nhận CIPS chỉ được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị hơn là các cân nhắc về kinh tế hoặc tài chính”, chuyên gia tại Invesco nhận xét.
Các số liệu hiện có không cho thấy sự dịch chuyển nhanh chóng hoặc đáng kể khỏi đồng đô la Mỹ. Do đó, đồng Nhân dân tệ vẫn chưa có nhiều dấu hiệu về sự chuyển đổi hoàn toàn, mọi câu chuyện vẫn xoay quanh mục tiêu “phi đô la hóa” về địa chính trị hơn là cạnh tranh vĩ mô hay tài chính.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm rằng, cân nhắc về địa chính trị chắc chắn là nổi bật đối với một số nước đang phát triển, nhưng những người nắm giữ dự trữ lớn trên thế giới, ngoài Trung Quốc và Nga, không có khả năng sớm chuyển ra khỏi tài sản bằng đô la Mỹ. Nhiều quốc gia trong số này là một phần của hệ thống liên minh của Hoa Kỳ và không có khả năng cảm thấy an toàn hơn khi tiếp xúc với Trung Quốc.
Từ quan điểm này, phi đô la hóa thực sự vẫn chưa phải là một khả năng lớn trong ngắn hạn. Điều có nhiều khả năng hơn là sự phân mảnh tiếp tục của các khoản thanh toán quốc tế sang các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ vẫn có khả năng sẽ bị soán ngôi nếu Mỹ tụt lại phía sau về sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh, chứ không chỉ đơn thuần do vận động địa chính trị.