Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: 34 triệu người vỡ nợ, Chính phủ đau đầu tìm cách giải quyết
Một số người Trung Quốc thậm chí còn lên mạng xã hội khoe nợ như một chiến tích và kiếm tiền từ những video có lượt tương tác khủng.
Giấc mơ trung lưu, gánh nặng vô hình
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu sở hữu bất động sản và tinh thần khởi nghiệp đã làm thay đổi diện mạo các thành phố Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Tầng lớp này cũng thúc đẩy tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Riêng tháng 5 vừa qua, doanh số bán lẻ đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước — mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2023 — một phần nhờ các khoản trợ cấp từ nhà nước nhằm vực dậy nhu cầu tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, chính phủ cũng đã thận trọng khuyến khích người dân vay mượn. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra rủi ro mới. Bên cạnh những con đường tắc nghẽn vì xe hơi, các nhà hàng hào nhoáng và những trung tâm thương mại khổng lồ là một sự thay đổi âm thầm nhưng sâu sắc: nợ hộ gia đình tăng vọt.
Tính theo tỷ lệ so với GDP, nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng từ dưới 11% vào năm 2006 lên hơn 60% hiện nay — gần bằng mức của các nước phát triển. Chủ nợ bao gồm cả các ngân hàng quốc doanh và các nền tảng công nghệ.
Theo hãng tư vấn Gavekal Dragonomics, hiện có khoảng 25 đến 34 triệu người Trung Quốc đang rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nếu tính cả những người chỉ đang trễ hạn thanh toán, con số này có thể lên tới 61 đến 83 triệu người — tương đương 5-7% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Gavekal cho rằng cả hai nhóm này đều đã tăng gấp đôi so với năm năm trước. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao và thị trường bất động sản suy thoái, tình hình có thể sẽ tiếp tục xấu đi.

Trong khi đó, chính phủ đang chật vật tìm hướng giải quyết. Họ đã quá bận rộn với bài toán nợ ở quy mô hệ thống: nợ chính quyền địa phương vẫn ở mức cao đáng lo ngại, còn nợ doanh nghiệp cũng chẳng dễ thở hơn. Nợ hộ gia đình trở thành một mối lo khác. Dù chưa đe dọa trực tiếp tới ổn định tài chính, nhưng nó đang ngày càng đè nặng lên tâm lý của tầng lớp trung lưu, kìm hãm chi tiêu và làm suy yếu niềm tin vào tương lai thịnh vượng — thứ mà Trung Quốc coi là then chốt để duy trì quyền lực.
Tiết kiệm nhiều, vay nợ còn nhiều hơn
Các hộ gia đình Trung Quốc có một lớp đệm: tổng tiết kiệm của họ chiếm khoảng 32% thu nhập khả dụng trong năm 2023, theo ngân hàng JP Morgan. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức dưới 3% của người Mỹ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007.
Tuy nhiên, trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, việc vay tiền mua nhà gần như được xem là canh bạc chắc thắng — nhất là khi công ăn việc làm dồi dào và ổn định. Nhiều người quen tiêu xài bằng tiền vay từ các nền tảng tài chính trực tuyến như Alipay hay WeBank. Một số khác thì vay để đầu tư vào các doanh nghiệp gia đình.
Nhưng rồi đại dịch COVID-19 và cú sốc bất động sản ập đến. Dù bắt đầu từ đâu, hậu quả chung của hàng triệu người là rơi vào vòng xoáy nợ nần và bị các nhân viên đòi nợ đeo bám.
Thế chấp nhà, kẹt trong bẫy bất động sản
Vay mua nhà chiếm 65% tổng dư nợ hộ gia đình trong năm ngoái (không tính các khoản vay cho mục đích kinh doanh). Hầu hết các khoản thế chấp đều do ngân hàng quốc doanh cung cấp, buộc họ phải thận trọng khi xử lý các trường hợp không trả được nợ. Theo China Index Academy, trong năm 2023 có khoảng 366.000 căn nhà bị phát mại, tăng nhẹ so với 364.000 căn năm trước. Nhưng số người không trả được tiền vay thế chấp có thể đang tăng nhanh hơn nhiều.
Giới quản lý tỏ ra thận trọng với các biện pháp tịch thu nhà ở — vì lo ngại gây ra các cuộc biểu tình. Các ngân hàng cũng đứng trước một vấn đề khác: trong thị trường bất động sản ảm đạm hiện nay, việc bán đấu giá nhà có thể không đủ để thu hồi khoản vay. Trong khi đó, các bên cho vay trực tuyến — dù chiếm thị phần nhỏ hơn — lại thường mạnh tay hơn trong việc đòi nợ.
Nợ tiêu dùng
Một nhóm khác cũng đang khốn đốn là những người tiêu xài quá mức. Lily, một phụ nữ thuộc thế hệ millennial ở Thượng Hải, rơi vào nợ nần khi công ty phần mềm nơi cô làm việc ngừng trả lương do thiếu hụt dòng tiền. Cô nợ 30.000 nhân dân tệ từ các nền tảng vay trực tuyến.
Để trang trải, cô chuyển sang làm “debt IP” — tức là biến câu chuyện vỡ nợ thành nội dung để kiếm tiền trên mạng xã hội. Cô kể về những khó khăn nợ nần của mình trong các video ngắn nhưng vẫn chưa nổi tiếng. Một số “debt influencer” (người có tầm ảnh hưởng chuyên làm nội dung khoe nợ) nổi bật khác có hàng trăm ngàn người theo dõi. “Có người thậm chí còn khoe: ‘Tôi nợ 10 triệu’, ‘Tôi nợ 100 triệu’”, cô nói.
Vay để đầu tư
Ở Hàng Châu, bà Bạch từng điều hành một doanh nghiệp giáo dục thành công, vay hàng triệu nhân dân tệ bằng tín chấp để mở rộng hoạt động. Rất nhiều người Trung Quốc vay để phát triển doanh nghiệp gia đình, và các tổ chức cho vay thường yêu cầu người vay cam kết tài sản cá nhân, khiến các hộ gia đình đứng trước rủi ro lớn nếu thất bại.
Thời kỳ đỉnh cao, công ty bà Bạch tổ chức ôn luyện cho khoảng 50.000–60.000 học sinh tại hơn 30 trung tâm, đạt doanh thu từ 100–200 triệu nhân dân tệ mỗi năm (tương đương 14–28 triệu USD). Rồi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, kéo theo chiến dịch đàn áp các trung tâm luyện thi. Bà buộc phải bán cả nhà lẫn xe để trả nợ.
Xử lý với ngân hàng còn dễ, vì trong thời gian dịch bệnh, chính phủ đã kêu gọi các ngân hàng khoan dung với những người vay bị ảnh hưởng; nhiều nơi đồng ý xóa hàng chục nghìn tệ tiền lãi. Nhưng phần khó khăn nhất là đối mặt với những người thu nợ mà các nền tảng vay trực tuyến thuê về. Họ liên tục gọi cho bà Bạch, bạn bè và người thân, dùng nhiều số điện thoại khác nhau để tránh bị chặn. Bà đặc biệt phẫn nộ vì cha mẹ mình cũng bị quấy rối.
Khi luật chơi chưa bảo vệ người chơi
Các quy định về ngành thu hồi nợ ở Trung Quốc còn rất mới và chưa được thực thi đồng bộ. Thay vì được hỗ trợ, bà Bạch còn bị tòa án đưa vào danh sách đen tín dụng xã hội (social credit blacklist), khiến bà không thể đi máy bay, đi tàu cao tốc hay lưu trú tại các khách sạn cao cấp.
Vậy người mắc nợ có thể tìm nơi nào để nương tựa? Những năm gần đây, các nhóm hỗ trợ người vỡ nợ đã phát triển trên mạng. Cô Jiaqi Guo từ Đại học Turku (Phần Lan) đang nghiên cứu một nhóm như vậy có tên “Liên minh Con nợ” (Debtors Alliance) trên mạng xã hội Douban. Được thành lập từ năm 2019, nhóm hiện có hơn 60.000 thành viên.
Khi số người mắc nợ tăng lên, chính quyền đã bắt đầu thể hiện sự cảm thông ở mức tối thiểu. Năm ngoái, họ cấm các công ty đòi nợ đe dọa bạo lực, chửi bới hoặc gọi điện vào những giờ bất thường. Họ cũng nhắc nhở các bên cho vay phải bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, các quy định về quyền riêng tư vẫn còn lỏng lẻo ở Trung Quốc. Những lời than phiền trên diễn đàn con nợ cho thấy hành vi đòi nợ hung hăng và xâm phạm vẫn chưa thuyên giảm.
Một cải cách có thể hữu ích là ban hành luật phá sản cá nhân (personal bankruptcy law) như ở các nước phát triển, nhằm bảo vệ người vay khỏi các khoản nợ khiến họ trắng tay. Việc thiếu luật này đã khiến các tổ chức cho vay nặng lãi trên mạng bùng phát, nhắm tới những người tuyệt vọng.
Năm 2021, Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên áp dụng luật phá sản cá nhân. Nhưng luật này được thực hiện rất thận trọng: đến cuối tháng 9/2024, dù có hơn 2.700 người nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo luật này, các tòa án mới chỉ chấp nhận khoảng 10% hồ sơ.
Một số địa phương khác cũng đang thử nghiệm các mô hình tương tự. Tuy nhiên, chính quyền trung ương vẫn chưa vội. Các chủ nợ thường là doanh nghiệp nhà nước lớn, còn giới chức thì lo ngại việc ban hành luật trên toàn quốc có thể bị hiểu là dung túng cho thói tiêu xài hoang phí hoặc đầu tư mạo hiểm.
Theo The Economist
>> Thương chiến Mỹ - Trung vào giai đoạn mới, nhiều quốc gia 'mắc kẹt' giữa hai siêu cường
Hàng loạt công ty Mỹ ồ ạt tìm cách rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?
Láng giềng Việt Nam tuyên bố biến CO₂ thành đường, mở ra lối thoát cho khủng hoảng toàn cầu