VN-Index tăng 8 điểm, thị trường phân hóa
VN-Index tăng gần 8 điểm trong phiên 21/5, chốt tại 1.323,05 điểm nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu đầu tư công và bất động sản. Dòng tiền tập trung kéo nhiều mã tăng trần, trong khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế với 183 mã giảm.
Phiên chiều: Thị trường phân hóa
14h45: Thị trường chậm rãi đi lên vào phiên chiều và kết thúc tại 1.323,05 điểm, tăng 7,9 điểm (+0,6%). Thanh khoản gần 1,1 tỷ đơn vị, giá trị tương ứng 29.929 tỷ đồng.
Sự phân hóa diễn ra rõ ràng: dù chỉ số tăng mạnh, sắc đỏ vẫn bao phủ với 183 mã giảm, 137 mã tăng và 46 mã đứng giá.
Dòng tiền mạnh mẽ tìm đến một số cổ phiếu, kéo các mã như CII, VCG, HVN, VHM, NVL, GEX tăng trần.
Nhóm doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công nhận được sự quan tâm trong phiên chiều. Bên cạnh VCG, các cổ phiếu FCN, LCG, HHV ghi nhận mức tăng 2% – 3%.
Khối ngoại mua ròng 480 tỷ đồng, tập trung vào STB, VHM và ETF DCVFMVN Diamond.

14h: Sự rung lắc mạnh của VIC gây nhiễu cho chỉ số. Dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển. Thị trường phân hóa rõ nét khi một số cổ phiếu tăng mạnh, trái ngược với xu hướng của ngành.
Cụ thể, trong nhóm bất động sản thương mại, NVL và VHM tăng trần, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác như NLG, DIG, PDR lại điều chỉnh.
Ở nhóm hạ tầng - đầu tư công, CII và VCG tăng hơn 3%, trong khi CTD giảm hơn 4%, FCN đứng giá.
Nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền trong phiên sáng nhưng chỉ giữ được sự tích cực ở STB (+5,19%), VPB (+1,1%), MBB tăng nhẹ; phần lớn còn lại đều điều chỉnh.
Phiên sáng: VN-Index hụt hơi sau cú tăng 16 điểm
11h30: VN-Index bật tăng hơn 16 điểm, lên 1.331,6 điểm vào thời điểm 9h30–9h45, sau đó hụt hơi. Chỉ số kết phiên sáng tại 1.316,13 điểm, tăng 0,98 điểm (+0,07%). Thanh khoản đạt 550,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 13.553 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sắc đỏ bao trùm thị trường với 211 mã giảm, 95 mã tăng và 42 mã đứng giá; chỉ còn 4/11 nhóm ngành giữ được sắc xanh.
VN-Index bị bán mạnh sau khi dòng tiền rút khỏi cổ phiếu VIC, mã này giảm 0,22% dù từng tăng trần. Tuy vậy, VHM vẫn tăng hơn 5% và đóng góp +3,13 điểm cho chỉ số chung.
Nhóm ngân hàng vẫn giữ được nhịp tăng 0,3%. STB từng bung trần nhưng chốt phiên chỉ còn tăng 5,7%. Trong khi đó, SHB điều chỉnh nhẹ, MBB về sát tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ giảm 1,53% – mạnh nhất thị trường. Các cổ phiếu đầu ngành đều sụt giảm như FPT (-1,34%), CMG (-2,43%), ELC (-1,14%). Các nhóm viễn thông, năng lượng, công nghiệp và y tế cũng đồng loạt điều chỉnh.
Cổ phiếu BCG giảm sàn với thanh khoản 24 triệu đơn vị sau khi bị HoSE chuyển vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

9h30: VN-Index mở cửa phiên 21/5 tăng 14 điểm, lên vùng 1.330 điểm và tiếp tục duy trì trạng thái hưng phấn sau đó. Thanh khoản đạt 112 triệu đơn vị, gần gấp đôi so với cùng thời điểm phiên giao dịch liền trước. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tích cực với 156 mã tăng, 85 mã giảm và 56 mã đứng giá; 8/11 nhóm ngành giữ sắc xanh.
Tương tự phiên giao dịch hôm qua, nhóm cổ phiếu Vingroup và ngân hàng tiếp tục là bệ phóng cho chỉ số. Cụ thể, VIC tăng 3,06%, VHM tăng 6,2%, qua đó kéo toàn ngành bất động sản tăng 2,17%. Nhóm ngân hàng tăng 1,39%, trong đó STB tăng trần, các mã khác như VPB, SHB, MBB cũng đồng loạt tăng gần 2% và là 4 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất phiên.
Áp lực bán ghi nhận tại nhóm công nghệ (-0,89%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (-0,4%) do ảnh hưởng từ hai cổ phiếu lớn là FPT (-0,76%) và VPL (-0,9%).
Khối ngoại mua ròng 518 tỷ đồng, tập trung vào ETF DCVFMVN Diamond (322 tỷ đồng) và STB (170 tỷ đồng).
Hiện tại, Việt Nam và Mỹ đang trong giai đoạn đàm phán thương mại vòng 2, diễn ra từ ngày 19–22/5.
>> Nhận định chứng khoán 21/5: Thị trường đi lên trong rung lắc