Lộ diện 2 hãng ô tô ngoại 'góp' 50% ngân sách cho tỉnh 'bé hạt tiêu' sắp lên TP trực thuộc Trung ương

22-04-2024 23:58|Thảo Đan

Là nơi "tọa lạc" của 2 hãng xe ngoại, tỉnh này sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, 2 doanh nghiệp đóng góp chủ lực cho ngân sách Nhà nước là công ty ô tô Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam. Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất cả nước có hai hãng xe ngoại đặt nhà máy.

Cụ thể, Honda và Toyota là 2 hãng xe có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm. Honda chiếm tỷ trọng khoảng 30% và Toyota chiếm tỷ trọng 25%.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Công ty Honda Việt Nam nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 5.209 tỷ đồng (bằng 85% so với cùng kỳ; tương ứng giảm 951 tỷ đồng); Công ty ô tô Toyota Việt Nam có tổng số thuế nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 3.681 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước Vĩnh Phúc đạt 15.411 tỷ đồng.

Toyota Việt Nam được thành lập từ năm 1995, vốn pháp định 49 triệu USD, với 70% vốn góp từ Tập đoàn Toyota Nhật Bản, 20% từ Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam, phần còn lại từ Công ty TNHH KUO Singapore. Năng lực sản xuất 47.000 xe/năm.

Nhà máy của Toyota Việt Nam được đánh giá là một trong những nhà máy Toyota có chất lượng xuất xưởng xe tốt nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhờ việc áp dụng những tinh hoa của hệ thống sản xuất Toyota (TPS), tinh thần Kaizen (Liên tục cải tiến) vào hoạt động sản xuất và đặc biệt là kỹ năng tay nghề cao của công nhân viên.

Tính đến tháng 4/2024, Toyota Việt Nam đã liên kết với 60 nhà cung cấp phụ tùng, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam với sản phẩm nội địa hóa đạt hơn 1.000 sản phẩm các loại. Năm 2023, Toyota Việt Nam đã hỗ trợ thêm 13 nhà cung cấp linh kiện, nâng tổng số nhà cung cấp được hỗ trợ lên 17 doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô lên tới 40%, trong đó, riêng dòng xe Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá tới 43%.

Giới thiệu công ty Toyota Việt Nam: Sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng
Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc

Honda Việt Nam được thành lập vào năm 1996, là liên doanh giữa công ty Honda Motor (Nhật Bản), công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và Tổng Công ty Máy Động Lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam.

Tháng 3/2005, Honda Việt Nam chính thức nhận được giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Trụ sở tại Phúc Thắng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc, vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Công suất 23.000 xe/năm.

>> Tỉnh 'bé hạt tiêu' sẽ là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nước, tăng cường hút vốn FDI

Honda Việt Nam liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, trong đó, có 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các công ty sản xuất trong nước và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các công ty thương mại. Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất xe máy đạt khoảng 96%; sản xuất ô tô gần 2%.

Diện mạo thủ phủ công nghiệp Vĩnh Phúc, nơi sản xuất hàng triệu xe máy mỗi năm
Nhà máy Honda Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động).

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 158,01 nghìn tỷ đồng, tăng 4,94 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,23% so với năm 2022. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người, tăng 2,63 triệu đồng/người, tương đương tăng 2,05% so với năm 2022.

Tính đến năm 2023, địa bàn tỉnh đã có 359 dự án FDI còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 99 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 17.425 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục xây dựng thành phố Phúc Yên thông minh, hiện đại
TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy địa phương có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Với diện tích 1.371km2, Vĩnh Phúc là tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước.

Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…) để trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội.

>> Liên danh Eurowindow 'để mắt' đến khu đô thị 6.300 tỷ tại thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam

Tỉnh sẽ có thành phố lớn nhất Việt Nam, là cực tăng trưởng vùng núi phía Bắc, đón dòng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng

Tỉnh đông dân thứ 3 cả nước sắp có khu dân cư quy mô 800 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-dien-2-hang-o-to-ngoai-gop-50-ngan-sach-cho-tinh-be-hat-tieu-sap-len-tp-truc-thuoc-trung-uong-231837.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện 2 hãng ô tô ngoại 'góp' 50% ngân sách cho tỉnh 'bé hạt tiêu' sắp lên TP trực thuộc Trung ương
    POWERED BY ONECMS & INTECH