Nhiều tỉnh trên cả nước đang dồn lực, quyết tâm đưa các thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An)
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Nghệ An phấn đấu tỷ lệ đô thị đến năm 2025 sẽ đạt 34-36%; đến năm 2030, đạt khoảng 40-45%.
Về lộ trình cụ thể, đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng địa giới hành chính Thành phố Vinh với việc sáp nhập thị xã Cửa Lò và 1 số xã của huyện Nghi Lộc nằm trong hành lang Vinh - Cửa Lò. Nâng cấp đô thị hoá huyện Diễn Châu thành cấp thị xã.
Dự kiến, Nghệ An sẽ có 4 đô thị lớn đó là Thành phố Vinh (đã mở rộng) là đô thị loại I; 2 thành phố/thị xã là đô thị loại III là Thành phố Hoàng Mai, thị xã Thái Hoà; và 1 thị xã Diễn Châu là đô thị loại IV.
>> Lộ diện tỉnh Tây Nguyên duy nhất sẽ 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương
Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thị xã Kỳ Anh dự kiến sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2025.
Theo đó, đến năm 2030, Hà Tĩnh có hai đô thị loại II (Thành phố Hà Tĩnh và Thành phố Kỳ Anh), hai đô thị loại III (Thị xã Hồng Lĩnh và thị trấn Đức Thọ), 12 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V. Trong đó, có 18 đô thị được quy hoạch mới.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu các kế hoạch 5 năm 2021-2025 và xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025.
Theo đó, địa phương có 8/14 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 30/11 đạt 329 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch tỉnh giao, 93% kế hoạch thị xã giao. Giải ngân vốn đầu tư đến ngày 30/11 đạt 398 tỷ đồng, đạt hơn 72% kế hoạch, dự kiến đến 31/1/2024 (kết thúc thời gian chỉnh lý ngân sách) đạt 100% kế hoạch vốn được giao.
Ảnh một góc thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh |
Thị xã An Nhơn (Bình Định)
Thị xã An Nhơn cách Thành phố Quy Nhơn, Bình Định gần 20km về phía tây bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã.
Cuối năm 2022, tỉnh Bình Định có kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố vào năm 2025. Gần đây, địa phương này đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển để công nhận trước hạn, dự kiến năm 2024.
Tổng mức đầu tư các công trình đến cuối năm 2022 đạt 3.363 tỷ đồng. Địa phương tập trung hoàn thành và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mở rộng không gian đô thị. Hơn 40 km đường giao thông kết nối các xã, phường được nâng cấp kéo theo sự hình thành của các khu đô thị, khu dân cư mới.
Để sớm trở thành thành phố trước năm 2025, địa phương triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2035, có quy chế quản lý kiến trúc đô thị. An Nhơn tiếp tục huy động, cân đối các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng kinh tế, xã hội. Địa phương dự kiến thành lập các phường dựa trên 6 xã hiện hữu. Đề án thành lập các phường và thành phố An Nhơn hoàn thành và trình phê duyệt cuối năm 2023.
An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của Thành phố Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với quốc lộ 1, quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.
>> ‘Siêu cảng hàng không’ làm bệ phóng, tỉnh này sẽ ‘cất cánh’ xứng tầm cực tăng trưởng quan trọng
Thị xã Gò Công (Tiền Giang)
Theo Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tiền Giang sẽ có thêm hai thành phố, và thị xã Gò Công là một trong đó. Cụ thể, định hướng đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập Thành phố Gò Công.
Thị xã Gò Công ở trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là đô thị đứng thứ 2 của tỉnh (sau thành phố Mỹ Tho). Phía Đông giáp huyện Gò Công Đông, phía Tây giáp huyện Gò Công Tây, phía Bắc giáp tỉnh Long An, phía Nam giáp huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Diện tích tự nhiên 101,98km2.
>> Tiền Giang đang tìm nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý rác hơn 640 tỷ đồng
Thị xã Gò Công được chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (1, 2, 3, 4 và 5) và 7 xã (Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận, Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân). Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện, thị xã Gò Công ngày càng phát huy vị trí đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Ảnh một góc thị xã Gò Công |
Thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ngày 24/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241 về phê duyệt phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, trong đó thị xã Phú Mỹ là đô thị loại II vào năm 2025. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu đã thống nhất chủ trương cho TX. Phú Mỹ xây dựng đề án nâng loại đô thị và thành lập Thành phố Phú Mỹ vào năm 2025.
Năm 2023, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố Phú Mỹ và các phường trực thuộc. Sở Nội vụ cho rằng thị xã Phú Mỹ đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh. 3 xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên thuộc thị xã đạt 17/17 tiêu chuẩn thành lập phường.
Đây là bước đi quan trọng để hiện thực hoá nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI về phấn đấu xây dựng thị xã trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025.
Trước đó, thị xã Phú Mỹ được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính, dân số và hiện trạng của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị xã trải dài trên diện tích 333,8km2, dân số 180.000 người (số liệu năm 2019). Thị xã Phú Mỹ có vị trí thuận lợi khi phía tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, nam giáp thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu, bắc giáp tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được định hướng phát triển 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
>> Một thị xã cách TP. HCM 90km sẽ 'cất cánh' lên thành phố
Thị xã Tân Châu (An Giang)
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1369/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
>> Tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long sắp đón thêm thành phố mới
Tân Châu là thị xã biên giới, nằm ở phía Bắc tỉnh An Giang, nơi đầu nguồn của dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài khoảng 6,2km, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia), là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của các tỉnh vùng đất “Chín Rồng” đến các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông.
Đây là những tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế biên mậu, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
>> Thị xã có cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia sắp lên thành phố
Lộ diện tỉnh Tây Nguyên duy nhất sẽ 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương
‘Siêu cảng hàng không’ làm bệ phóng, tỉnh này sẽ ‘cất cánh’ xứng tầm cực tăng trưởng quan trọng