Thị xã này có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài khoảng 6,2km.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1369/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Tân Châu là thị xã biên giới, nằm ở phía Bắc tỉnh An Giang, nơi đầu nguồn của dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài khoảng 6,2km, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia), là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của các tỉnh vùng đất “Chín Rồng” đến các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. Đây là những tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế biên mậu, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
>> Tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long sắp đón thêm thành phố mới
Thị xã Tân Châu nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh An Giang, cách TP. Hồ Chí Minh 208km về phía Đông, cách thành phố Cần Thơ 125km về phía Đông Nam, cách thành phố Long Xuyên 73km về phía đông, cách bờ biển phía Đông 220km và bờ biển phía Tây 104km. Sản phẩm của thị xã là lụa Tân Châu nổi tiếng bóng láng được nhuộm màu đen bằng trái mặc nưa.
Một góc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang |
Tỉnh An Giang sẽ có 27 đô thị vào năm 2030
Theo quyết định, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 3.536,7km2, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Tây Bắc tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, phía Đông và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phía Nam và Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.
Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia…
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN…
Một góc tỉnh An Giang |
Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại I; 1 đô thị loại II; 2 đô thị loại III; 12 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V.
>> Một huyện cách trung tâm Gia Lai 50km, có cửa khẩu quốc tế, kêu gọi đầu tư 22 dự án
Tỉnh An Giang sẽ hình thành các đô thị động lực, gồm: TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…; TP. Châu Đốc là đô thị xanh, là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia...; TP. Tân Châu là đô thị động lực phía Bắc, tập trung phát triển kinh tế vùng biên, đầu mối giao thương quốc tế tại cửa khẩu Vĩnh Xương…; thị xã Tịnh Biên là đô thị biên giới, đầu mối giao thương qua cửa khẩu Tịnh Biên, là trung tâm du lịch, thương mại, công nghiệp chế biên, chế tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên: kết nối Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang với cảng biển Trần Đề, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, logistics tại đô thị Long Xuyên.
Hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang): phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới… Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là đầu mói giao thương với Vương quốc Campuchia.
Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu: là không gian nằm theo trục giao thông quốc lộ 91, quốc lộ 80B và tuyến vận tải thủy (tuyến sông Mê Kông) kết hợp với hành lang biên giới; định hướng phát triển cụm liên kết về sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây gắn với đô thị sinh thái 2 bên bờ sông; phát triển du lịch sinh thái…
Để thực hiện mục tiêu này, An Giang đặt ra 3 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP.