Lo ngại phát sinh "bến cóc" khi lập điểm dừng đỗ cho xe hợp đồng
Chủ trương mới nhất của Sở GTVT Hà Nội là khảo sát thêm các điểm cho phép xe hợp đồng dừng đón trả khách tại một số quận trung tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nguy cơ phát sinh "bến cóc" từ các điểm dừng đón này.
Tại thông báo số 511/TB-SGTVT Hà Nội về công tác kiểm tra, xử lý hoạt động "xe dù, bến cóc" và các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy khảo sát các điểm dừng đón trả khách cho xe ô tô hợp đồng, để khắc phục tình trạng đón trả khách tùy tiện hiện nay.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các địa phương kiên quyết chấm dứt hoạt động của bến bãi không đúng quy định; tổ chức kiểm tra tại các bến bãi, điểm đón trả khách theo thẩm quyền quản lý; bổ sung hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, khu vực có các văn phòng đại diện, chi nhánh doanh nghiệp vận tải.
Thực tế, xe đưa đón học sinh, cán bộ, công nhân viên hàng ngày đang vô tình tạo thêm áp lực giao thông cho thành phố. Cụ thể là việc thiếu điểm dừng, phải đỗ đón, trả khách ở chân các tòa nhà, trong ngõ các khu dân cư đông đúc, thậm chí là xếp hàng ngay trước trường học trong giờ cao điểm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Không thể phủ nhận xe hợp đồng mang đến hiệu quả tích cực đối với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân. Có xe đưa đón, các bậc phụ huynh sẽ giảm thiểu lượt chuyến đi, cán bộ, công nhân viên có thể không phải sử dụng đến xe cá nhân. Mỗi chuyến xe hợp đồng sẽ giúp giảm đi hàng chục lượt phương tiện cá nhân lưu thông trên đường hàng ngày.
Về công tác quản lý, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) nhận định, đây là một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng "bến cóc” tự phát. Khi các quận, huyện khảo sát, bố trí điểm dừng đón trả khách cho xe hợp đồng phù hợp với quy hoạch; công bố các bãi xe theo đúng thẩm quyền, sẽ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, góp phần chấm dứt hoạt động của bến bãi không đúng quy định.
Tuy nhiên, trước đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phân loại xe được ưu tiên sử dụng điểm như: Xe chở học sinh, chở cán bộ, công nhân viên, có lộ trình cố định hàng ngày, phục vụ nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân. Bên cạnh đó, cần tính đến đến nhu cầu dừng đỗ, chờ khách của xe hợp đồng; tính toán địa điểm gần các trường học, công sở để hạn chế lượt xe huy động trên đường.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, Chuyên gia giao thông cũng nhận định: Nếu tổ chức tốt hoạt động vận tải cho xe hợp đồng, cùng với xe buýt, tàu điện, loại hình này sẽ là phương tiện chủ lực để gom khách, giảm số lượng xe cá nhân tham gia giao thông.
Các chuyên gia giao thông cũng nhận định, cần thiết phải có hệ thống camera giám sát tại các điểm dừng đỗ của xe hợp đồng; mỗi xe chỉ được dừng đỗ tối đa trong khoảng 5 - 10 phút và phải là xe hợp đồng trọn chuyến. Hà Nội đang tăng cường xử lý vi phạm của xe trá hình qua dữ liệu giám sát hành trình.
Trước mắt, Sở GTVT đề xuất TP Hà Nội đưa ra quy chế yêu cầu lãnh đạo UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bến bãi, điểm đón trả khách tại địa bàn quản lý hoạt động không đúng mục đích, quy định.
>>Nhà xe Thành Bưởi báo sắp chạy lại tuyến Cần Thơ - TP.HCM, Sở Giao thông vận tải nói gì?
Dự thảo Luật Đường bộ có 'bỏ quên' xe hợp đồng trá hình?
Tái diễn xe hợp đồng chạy quá tốc độ cả nghìn lần/tháng, vì sao khó xử lý?