Loại cây mọc hoang ở Việt Nam lại được các nước láng giềng dùng làm thuốc chữa bệnh, trị cả sỏi thận, mất ngủ
Loại cây này có nhiều công dụng đối với sức khỏe, có thể trồng vừa làm cảnh vừa có tác dụng chữa bệnh.
Cây lá bỏng hay còn gọi là cây trường sinh, cây sống đời, cây thuốc bỏng… Tên Khoa học: Kalanchoe pinnata (Lamk.) Pers, thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae). Bộ phận dùng làm thuốc: Lá tươi mới hái, từ lá bánh tẻ đến lá già (không dùng lá đã héo).
Mặc dù đây là cây mọc hoang nhưng cũng được người dân trồng nhiều vừa để làm cảnh vừa có tác dụng chữa bệnh. Cây thuốc bỏng tươi vị nhạt, hơi chua, tính mát; không độc với người (độc hại thần kinh với súc vật ăn cỏ khi ăn lượng lớn), có tác dụng: Kháng viêm, kháng khuẩn (tác dụng với cả 2 loại vi khuẩn gram dương, gram âm và trực khuẩn mủ xanh), giãn cơ giảm đau, cầm máu.
Theo Đông y, cây lá bỏng có tác dụng tiêu viêm, giảm đau hiệu quả, tiêu độc, hoạt huyết,… Tác dụng của cây lá bỏng đặc trưng nhất chính là trị bỏng đúng như tên gọi của nó.
Bên cạnh đó cây lá bỏng còn được sử dụng điều trị bệnh sỏi thận, cao huyết áp, bệnh gout, những bệnh ngoài da, có khả năng giảm đau, giảm sốt, giảm ho và điều hòa kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Nhiều nơi còn sử dụng cây lá bỏng làm một loại rau để nấu canh và sử dụng cây lá bỏng để chữa những vết thương hoặc mụn nhọt hiệu quả.
Ở Đông Nam Á, cây lá bỏng được dùng làm điều trị nhọt, vết thương bỏng, chốc đầu và bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.
Tại Indonesia, lá dùng uống làm thuốc lợi tiểu, dùng ngoài trị lở loét, đau lưng, đau chân và đôi khi dùng đắp trị đau mắt hoặc nhức đầu; nước sắc uống trị sốt và phù, cao chiết với nước từ bột lá khô lại có công dụng chữa trĩ. Lá thuốc bỏng sao khô có trong thành phần một số chế phẩm phối hợp nhiều vị được dùng đắp lên vết loét trong bệnh phong và điều trị những rối loạn về vận động, dịch ép của lá thoa lên trán giúp giảm sốt.
Malaysia dùng lá thuốc bỏng vò nát đắp lên trán có công dụng trị nhức đầu, đắp lên ngực lại có công dụng trị ho và đau. Ở Philippin, lá thuốc bỏng có công dụng làm săn, giúp kháng khuẩn và trị sâu bọ cắn. Lá tươi giã nát thường được đắp để trị vết bỏng và nhọt. Dịch ép lá trị tiêu chảy, lỵ, bệnh dịch tả và lao phổi. Lá cũng được dùng làm thuốc đắp nóng trị sai khớp, chai tay chân. Còn ở Brunei, nước hãm lá uống có công dụng trị sốt.
Một số quốc gia khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia dùng lá thuốc bỏng tươi dể điều trị bên ngoài cho các vết bỏng, vết thương, chốc đầu, nhọt, bệnh ngoài da, chai tay chân và điều trị viêm mắt, đờm rãi, thấp khớp, đau dây thần kinh.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây lá bỏng
Chữa bỏng nhẹ
Với những vết bỏng nhẹ bạn có thể thực hiện với lá bỏng, lượng lá bỏng hái vừa đủ vết thương sau đó rửa qua nước muối loãng để ráo nước rồi giã nát. Lá bỏng giá nát sau đó lấy nước cốt thoa lên vết bỏng. Chỉ sau 1 lần thực hiện bạn sẽ thấy vết bỏng không còn đau rát, nhanh chóng khỏi.
Chữa viêm họng
Bạn có thể thực hiện với cách chữa viêm họng từ lá cây bỏng, sử dụng 10 lá trong 1 ngày, rửa sạch qua nước muối loãng. Sáng 4 lá, chiều 4 lá, tối 2 lá, nhai kỹ và nuốt. Thực hiện như vậy trong 3-4 ngày sẽ có hiệu quả khắc phục tình trạng viêm họng.
Chữa mất ngủ
Sử dụng lá bỏng cũng chính là cách chữa bệnh mất ngủ tại nhà của bạn. Mỗi ngày bạn ăn 8 lá bỏng, bạn sẽ có được giấc ngủ ngon và sâu giấc.
Điều trị bệnh đau lưng, đau xương khớp
Lá bỏng được làm nóng và mềm sau đó đắp lá bỏng lên vùng xương khớp đang bị đau nhức khi lá bỏng vẫn còn nóng. Thực hiện thường xuyên mỗi ngày sẽ giảm được tình trạng đau lưng, đau xương khớp hiệu quả.
Khi sử dụng cây thuốc bỏng cần chú ý:
Tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ trước khi dùng cây lá bỏng chữa bệnh tại nhà.
Các bài thuốc từ lá bỏng thường cho tác dụng chậm. Hiệu quả chưa được khoa học chứng minh.
Kết quả điều trị phụ thuộc cơ địa và mức độ bệnh của đối tượng sử dụng. Có người dùng thấy bệnh tình cải thiện nhưng cũng có người ít hoặc hoàn toàn không thấy được hiệu quả.
Cần đảm bảo vệ sinh trong khâu bào chế thuốc để không khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn nặng thêm.
Trong thời gian sử dụng lá bỏng nếu bạn có biểu hiện bị dị ứng hoặc bệnh tình ngày càng tiến triển nặng hơn thì nên ngưng dùng ngay và liên hệ với thầy thuốc để được hướng dẫn cách xử lý.