Cà phê có giá cao kỷ lục và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chuyên gia cảnh báo nếu người dân thu hái quả xanh sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng, đồng thời mất hàng nghìn tỷ đồng.
Vét sạch kho xuất khẩu
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh mới đây thông tin, chưa bao giờ ngành hàng cà phê rơi vào tình trạng hết hàng để bán xuất khẩu như thời gian này. Giá cà phê có thời điểm lên mức kỷ lục 71.000 đồng/kg, cao nhất trong 30 năm qua.
Theo ông Thông, thế giới phụ thuộc vào cà phê Việt Nam - nguồn cung lớn thứ hai toàn cầu. Song, Việt Nam mất mùa cà phê khiến nguồn cung khan hiếm, giá đẩy lên cao.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới khi đạt 3.603 USD/tấn, tăng 8,9% so với tháng trước đó và tăng 40,7% so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.535 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những ngày đầu tháng 11 này, giá cà phê Robusta và Arabica tiếp đà tăng so với cuối tháng 10/2023 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung và báo cáo tồn kho tiếp tục giảm. Đáng chú ý, giá cà phê Robusta (loại cà phê được trồng phổ biến ở nước ta) được dự báo sẽ tăng vì nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng dịp cuối năm.
Báo cáo từ cảng Santos (Brazil), lượng hàng xuất khẩu trong tháng 9/2023 chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lo ngại sự chậm trễ này có thể kéo dài tới tới cuối năm nay, buộc các nhà rang xay phải tăng mua hàng có sẵn trên các sàn giao dịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp kỷ lục trong tháng 10 vừa qua khi chỉ đạt 43.720 tấn, giá trị khoảng 157,6 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giảm mạnh giảm 48,8% về lượng và giảm 28% về giá trị. Điều này cũng cho thấy, lượng hàng gối vụ của nước ta còn không đáng kể để xuất khẩu.
Thời điểm này, “thủ phủ” cà phê Tây Nguyên chớm vụ thu hoạch, giá thu mua có xu hướng tăng, dao động trong khoảng 58.000-59.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Mil (Đắk Nông) tính toán, giá cà phê cao như hiện tại, nông dân lời to.
Vụ vừa qua, năng suất cà phê tái canh của gia đình ông đạt 6 tấn/ha. Với mức giá 55.000-60.000 đồng/kg, ông thu về khoảng 2 tỷ đồng từ 6 ha cà phê. Trong khi, cà phê tái canh chỉ cần bán giá 30.000 đồng/kg đã có lời nhẹ. Thế nên, năm nay ông Tạo lãi tiền tỷ từ cây cà phê sau khi trừ đi chi phí sản xuất.
Song, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân thu hái cà phê xanh để bán khi giá cao kỷ lục.
Tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), doanh nghiệp trên địa bàn huyện phản ánh việc nông dân thu hoạch quả cà phê xanh bán cho các cơ sở chế biến còn diễn ra nhiều, đặc biệt có tỷ lệ quả xanh chiếm đến 40-50%. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cà phê nhân.
UBND huyện Lâm Hà ngay sau đó đã đưa ra khuyến cáo cũng như hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, chế biến cà phê về việc thu hoạch, thu mua cà phê đạt chuẩn, đảm bảo độ chín nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
Cơ quan chức năng huyện Đăk Hà (Kon Tum) mới đây cũng khuyến cáo và chấn chỉnh tình trạng thu hoạch cà phê chưa chín để bán cho các thương lái.
Hái quả xanh sẽ mất hàng nghìn tỷ
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê), cho biết khi thu hái tỷ lệ quả xanh – chín sẽ quyết định tới chất lượng hạt cà phê.
Trước kia, người dân thu hoạch với tỷ lệ quả xanh cao nên cà phê Việt bị đánh giá có chất lượng thấp, giá bán không cao. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng cà phê thường quy định rõ tỷ lệ quả chín khi thu hoạch phải trên 90%. Giá thu mua cũng phụ thuộc vào tỷ lệ quả chín cao hay thấp.
“Thu hoạch cà phê tỷ lệ quả xanh cao sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, nông dân cũng thiệt hại vì trọng lượng hao hụt lớn”, ông nói.
Ông Đoàn Mạnh Trình – Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình thừa nhận, có tình trạng hái cà phê đầu mùa quá xanh tại Lâm Đồng trong niên vụ năm 2023-2024. Theo ông, thu hái cà phê tỷ lệ quả xanh cao gây thiệt hại rất lớn đối với người dân và thương hiệu cà phê của địa phương.
Nếu hái xanh tỷ lệ 60%, chín 40% thì trọng lượng giảm đi khoảng 20%; tỷ lệ 30% trái xanh, 70% trái chín thì trọng lượng giảm khoảng 15%.
Huyện Lâm Hà có gần 40.000 ha cà phê, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Khi giá cà phê ở mức 35.000 đồng/kg, ông nhẩm tính, nếu thu hái cà phê có tỷ lệ 30% trái xanh thì khối lượng cà phê bị hao hụt ước khoảng 22.000 tấn, người dân sẽ mất khoảng 800 tỷ đồng.
Còn hiện nay, giá lên đến 57.000 đồng/kg, người nông dân trồng cà phê có thể mất khoảng 1.200 tỷ đồng, ông nhấn mạnh.
Theo ông Trình, thời điểm đầu mùa thu hoạch, các cơ sở thu mua có lò sấy cà phê phải mất 5-5,1kg cà phê tươi mới cho ra được 1kg cà phê nhân. Giữa và cuối mùa, chỉ cần 4-4,2kg cà phê tươi đã cho ra 1kg cà phê nhân do cà phê chín đều.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định, có thể do giá cà phê đang cao nên người dân tiến hành thu hái sớm (khi quả chưa chín nhiều) để tránh mất trộm, đặc biệt tại các nương cà phê xa khu dân cư, khó bảo vệ.
Tuy nhiên, việc thu hái cà phê quá xanh cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Để đảm bảo chất lượng cà phê, Cục Trồng trọt đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc thu hái cà phê đúng thời điểm, đúng kỹ thuật đối với từng loại cà phê. Theo đó, cà phê thu hoạch có tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên (bao gồm cả quả chín vàng và chín đỏ) và tỷ lệ tạp chất không quá 2%. Đợt tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín đạt trên 80%, ông Cường cho hay.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 43,72 nghìn tấn cà phê, thu về 157,6 triệu USD, giảm 48,8% về lượng và giảm 28,0% về giá trị so với tháng 10/2022. Luỹ kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, giá trị đạt 3,28 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. |
Phố cà phê đường tàu Hà Nội lại đông đúc, khách Tây trèo rào để chụp ảnh
Giá cà phê hôm nay 22/11: Arabica tiếp tục tăng, nguyên nhân vì sao?