Loại quả bùng nổ, mang về hơn 1 tỷ USD cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm
Trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 92,4%, mang lại 1,22 tỷ USD.
Hôm nay (23/7), Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố thông tin chi tiết về giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, sầu riêng là mặt hàng đứng số 1 về giá trị xuất khẩu, mang lại 1,323 tỷ USD, tăng tới 44,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh số lượng tăng, giá sầu riêng xuất khẩu cũng đã tăng mạnh, dao động 4,3-4,5 USD (110.000-115.000 đồng) một kg, tùy thị trường.
Trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 92,4%, mang lại 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thị trường Thái Lan – vốn là đối thủ số 1 của sầu riêng Việt Nam – cũng tăng vọt với 47 triệu USD, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường lớn thứ hai.
Xếp sau là các thị trường Nhật Bản (2,6 triệu USD) và Campuchia (1,6 triệu USD), tăng lần lượt gấp đôi và gấp 23 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Sầu riêng "được mùa, được giá" trong 6 tháng đầu năm |
Chia sẻ tại tọa đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp?" do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng 23/7, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến đạt khoảng trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng sầu riêng "được mùa, được giá", nhiều nhà vườn đã móc nối với thợ gõ sầu riêng để bán trái non - điều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của sầu riêng và hình ảnh nông sản Việt.
Để ngặn chặn tình trạng này, ông Nguyên cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu.
Loại quả mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong 6 tháng đầu năm nay là thanh long. Tổng kim ngạch đạt 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái dù cách đây vài năm thanh long liên tục chiếm lĩnh “ngôi vương”. Năm 2018, loại quả này lập kỷ lục khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc: giá trị nhập khẩu giảm 26% nhưng vẫn đạt 203 triệu USD, đóng góp 68%. Tuy nhiên các thị trường khác như Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, UAE đều tăng. Đây là tin vui cho thấy các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng khá tốt, tìm ra những thị trường mới tiềm năng.