Trồng ‘trái cây vua’, nông dân huyện nghèo miền núi thu gần 1.000 tỷ đồng/năm
Loại “trái cây vua” ở huyện nghèo miền núi Khánh Sơn bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm ngoái, nhờ bán được sầu riêng giá cao, nông dân nơi đây thu về gần 1.000 tỷ đồng.
Khánh Sơn là huyện nghèo miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Khánh Hoà. Đây cũng là vùng trồng sầu riêng quy mô lớn và nổi tiếng tại tỉnh này.
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa - do hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên các loại sầu riêng Monthong, Ri6, Chín Hoá hay Musang King trồng ở huyện Khánh Sơn đều có chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm ngoái, diện tích trồng sầu riêng tại Khánh Sơn khoảng 2.400ha, trong đó có 1.200ha trong thời kỳ cho thu hoạch quả với sản lượng đạt 15.000 tấn. “Ngoài phục vụ thị trường nội địa, sầu riêng Khánh Sơn còn được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc dù chưa nhiều”, ông Quang nói.
Hiện toàn huyện Khánh Sơn có 5 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích 125,4ha, chiếm khoảng 10% diện tích sầu riêng đang thời kỳ cho quả. Ngoài ra, có 4 mã số với diện tích 120,2ha đang chờ phản hồi từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Năm ngoái, lượng sầu riêng lớn ở nước ta được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này đã kéo mặt bằng giá “trái cây vua” lên mức cao và lập đỉnh lịch sử. Theo đó, giá sầu riêng ở Khánh Sơn cũng tăng mạnh và neo ở ngưỡng rất cao.
Năm ngoái, có thời điểm nông dân Khánh Sơn bán được sầu riêng với mức giá lên tới 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí vọt lên 120.000 đồng/kg; còn trước kia chỉ trên dưới 40.000 đồng/kg, ông Quang cho hay.
Nhờ đó, người nông dân ở huyện nghèo miền núi này thu về gần 1.000 tỷ đồng khi kết thúc vụ thu hoạch sầu riêng, cao gấp 2-3 lần so với trước đó.
Anh Bo Bo Thương - chủ vườn sầu riêng rộng 3ha ở xã Sơn Bình (Khánh Sơn) - chia sẻ, cả vườn có 600 cây, mỗi cây cho 1-1,2 tạ quả.
Vườn nhà anh chủ yếu trồng giống sầu riêng Monthong. Giống sầu này cơm có vị ngọt đậm, múi dày, hạt bé và dễ chăm sóc, hợp thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Ở vùng Khánh Sơn, giống sầu Monthong cho thu hoạch vào tầm tháng 9-10 hàng năm. Vụ sầu năm 2023, với giá bán tại vườn dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, trung bình mỗi cây sầu riêng đem lại cho gia đình anh Thương khoảng 4 triệu đồng tiền lời. Tính ra, cả vườn có 600 cây, anh lãi hơn 2 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Khang ở xã Sơn Lâm (Khánh Sơn) cho biết, gia đình ông có 10ha sầu riêng. Những ngày qua, cả nhà tập trung lao động để thu hoạch quả. Năm trước, gia đình ông Khang thu hoạch khoảng 60 tấn. Năm nay, dự kiến vườn sầu riêng cho thu khoảng 100 tấn quả.
Đặc biệt, giá bán sầu riêng năm nay cao hơn so với mọi năm nên ông nhẩm tính có thể thu lãi 8 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - sầu riêng năm nay có giá cao nên bà con ai cũng phấn khởi.
Ông cho biết, trước đây, nông dân thường trồng bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm... Tuy nhiên, các cây trồng này cho hiệu quả kinh tế thấp. Thấy vậy, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng. Đến nay, sầu riêng được xem là cây chủ lực của địa phương, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, tạo thêm công ăn việc làm.
Nhờ trồng cây sầu riêng, nhiều hộ nông dân thu tiền tỷ mỗi năm và trở thành tỷ phú, triệu phú ở huyện miền núi này.
Hiện sầu riêng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Duy Quang tính toán, sản lượng sầu ở huyện Khánh Sơn vụ này ước đạt 1.600-1.700 tấn.
Trung tuần tháng 8, UBND huyện Khánh Sơn sẽ tổ chức Lễ hội trái cây lần III. Tại đây, có nhiều gian hàng sầu riêng để quảng bá thương hiệu, đồng thời giúp người nông dân và hợp tác xã kết nối cung - cầu.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ người nông dân các giải pháp kỹ thuật như: áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách, bảo đảm thời gian cách ly, không để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm; không được thu hoạch sầu riêng còn non, khi chưa đạt độ chín.
Ngoài ra, định hướng người dân chủ động đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; từ đó phát triển sầu riêng ổn định, bền vững hơn, ông Quang cho hay.
>> ‘Vua trái cây Việt’ thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 2 tháng