Lo lắng trước diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19, nhiều người dân tại Hà Nội đã ráo riết đi mua thuốc phòng, điều trị COVID-19 cho bản thân và người thân trong gia đình.
Thời gian gần đây số người nhiễm COVID-19 tại nước ta tăng mạnh, trong đó Hà Nội luôn đứng đầu cả nước với số ca nhiễm mới trong ngày đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Bên cạnh việc mua kit test nhanh, nhiều người dân Hà Nội dù chưa nhiễm bệnh nhưng lo lắng, sốt sắng mua xuyên tâm liên dự trữ tại nhà để phòng COVID-19.
Khảo sát tại một số hiệu thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội, những ngày gần đây lượng khách đến tìm mua que test, thuốc điều trị rất đông. Không ít người hỏi mua thuốc xuyên tâm liên phòng COVID-19.
Tại một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai), một nhân viên nhà thuốc cho biết, hộp xuyên tâm liên 30 viên nang cứng có giá 60.000 đồng, xịt họng xuyên tâm liên 65.000 đồng, người chưa mắc bệnh hoặc người đang mắc COVID-19 đều sử dụng được.
Còn ở một nhà thuốc trên phố Hạ Đình, giá bán xuyên tâm liên dạng viên (30 viên) là 90.000 đồng, còn sản phẩm xịt là 75.000 đồng. Tại một số nhà thuốc gần đó, giá thuốc xuyên tâm liên dạng viên được báo giá từ 90.000-120.000đồng/ hộp, thậm chí có nơi còn báo giá 135.000 đồng/hộp.
Nếu như các nhà thuốc vẫn còn hàng thì tại các nhà thuốc lớn, tập trung đông người hơn, như ở Phương Mai, Giải Phóng, thậm chí xuyên tâm liên còn rơi vào tình trạng cháy hàng khi chỉ có một số hàng thuốc hiện còn bán xuyên tâm liên, tuy nhiên mức giá đều khác nhau.
Một người ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, anh nghe mọi người “mách” xịt họng, và thuốc uống xuyên tâm liên có thể hỗ trợ phòng và điều trị COVID-19 nên anh mua về cả gia đình dùng. Nay anh mua một hộp xuyên tâm liên 30 viên nang cứng với giá 90.000 đồng, xịt họng xuyên tâm liên 65.000 đồng.
Liên quan đến việc nhiều người tìm mua xuyên tâm liên phòng COVID-19, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong phác đồ y tế cũng như trên thế giới không có thành phần như trên để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tất nhiên có khuyến cáo có thể dùng được giống thực phẩm chức năng, tác dụng khư phong tán hàn trong điều trị phong thấp của Đông y còn Tây y ít dùng, đặc biệt các bằng chứng mạnh chưa được rõ ràng.
Trước đó, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế có văn bản 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.
Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast - KG.
Tuy nhiên, sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
Đến ngày 27/7/2021, Bộ Y tế có văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện y học cổ truyền Bộ, ngành và các tỉnh thành phố, các bệnh viện chuyên khoa… về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT. Trong công văn thu hồi do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ghi rõ, do một số nội dung trong công văn 5944/BYT-YDCT chưa phù hợp nên Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn này.
Mặc dù công văn đã được thu hồi, nhưng trên thực tế tác động của công văn này tới thị trường là không nhỏ. Sản phẩm viên nén xuyên tâm liên đã nhận được sự quan tâm, săn lùng mua của người tiêu dùng, sản phẩm này cũng tăng giá chóng mặt. Qua đó nhiều sản phẩm chứa xuyên tâm liên cũng “nổ” công dụng phòng, chống COVID-19 như Xuyên tâm liên dạng viên (30 viên), Viên nano xuyên tâm liên…
Nhật Bản dự kiến tiêu hủy 77% số thuốc dự trữ điều trị COVID-19
CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19: Số ca mắc mới tiếp tục 'phi mã'