Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm tại Hà Nội phát hiện có sự lưu hành của biến thể phụ XBB.1.9.1 của Omicron.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 17/4, cả nước có thêm 1.031 ca mắc Covid-19. So với ngày 16/4, số ca mắc tăng 315 trường hợp. Trong ngày, hai người được công bố khỏi Covid-19. Số lượng bệnh nhân phải thở oxy giảm xuống còn 14 trường hợp.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 17/4 cũng cho thấy, từ ngày 1/4 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tăng dần. Riêng trong giai đoạn 12-16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca, cao điểm ngày 16/4 có 99 ca mắc. Trong khi 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.
Liên quan đến việc giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, kết quả của 2 mẫu bệnh phẩm dương tính Covid-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm là thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ. Đây là chủng có ở nhiều nước như Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines.
Cũng liên quan đến công tác giải trình tự gen, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gen cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.
"Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế”, ông Lân khẳng định.
Về công tác điều trị, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Thanh Hà cho biết, thời điểm tháng 1/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca, nhưng từ tháng 4 đã tăng lên. Từ đầu tháng đến nay có 146 ca mắc, trong đó có 21 ca chuyển nặng.
Các chuyên gia nhận định, đây là diễn biến chung của dịch, tức là sau thời gian ổn định và đất nước mở cửa trở lại, lượng bệnh nhân sẽ tăng lên khi quá trình giao lưu, đi lại gia tăng. Tuy nhiên, triệu chứng chung của Covid-19 đợt này không quá nặng, nhưng với người cao tuổi và những người thể trạng kém, có bệnh nền thì mắc Covid-19 vẫn là vấn đề phải lưu ý.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô - nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi, số ca mắc Covid-19 đang tăng cao, gấp 5-6 lần so với thời điểm trước đó.
Về quy trình tiếp nhận bệnh nhân theo đại diện Bệnh viện, trong thời điểm dịch có xu hướng tăng trở lại, tất cả các bệnh nhân nhập viện đều được xét nghiệm nhanh, qua đó, ngăn ngừa nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, cũng như để có tiên lượng tốt hơn khi điều trị cho người bệnh.
Đối tượng vào Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô đa số là người già và đều có bệnh nền, do vậy, khoảng 60-70% là phải ở lại viện theo dõi và điều trị.
Khoảng 30% bệnh nhân còn lại, sau khi được đánh giá ban đầu, nếu tất cả các triệu chứng ổn định, bệnh ổn định thì bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn điều trị tại nhà, điều trị online qua đường dây nóng.
Để tăng cường và chủ động phòng dịch Covid-19 hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo, người dân đã tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản nhưng chưa được bổ sung mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để tiêm.
Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng mắc bệnh nhẹ cần tự theo dõi, cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và triệu chứng biểu hiện nặng thì cần đến cơ sở y tế điều trị.
Giới trẻ Trung Quốc bị mắng là 'vô hồn' ở bài phát biểu lan truyền khắp đất nước tỷ dân
‘Bệnh X’ bí ẩn bùng phát, một loạt quốc gia châu Á cảnh báo: Liệu có tái diễn kịch bản Covid-19?