Với 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày, Lộc Trời (LTG) đang đẩy nhanh tốc độ để hoàn tất đơn hàng này trong 2 tháng tới.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (MCK: LTG) vừa thông báo đã trúng gói thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia. Trong đó, Lộc Trời trúng gói thầu 60.000 tấn gạo, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài - thành viên của CTCP Lương thực Lộc Nhân - cũng là đơn vị liên kết, thành viên hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời trúng gói thầu 40.000 tấn gạo.
Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC). Lộc Trời cùng Đại Tài sẽ thu về trên 55 triệu USD (trên 1.300 tỷ đồng) từ thương vụ này.
Đến nay, Lộc Trời cho biết đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho phương án tối đa việc mua lúa của bà con nông dân, sử dụng năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày để hoàn tất đơn hàng này.
Đáng chú ý, Lộc Trời và công ty có liên quan trúng thầu 100.000 tấn gạo kể trên với giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong các đơn vị tham gia dự thầu và thấp hơn 16 USD so với giá chào ban đầu là 579 USD/tấn.
So với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Lộc Trời cũng thấp hơn đến 24 USD/tấn.
Nói về vấn đề giá cả, đại diện Lộc Trời cho biết khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, tập đoàn có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài.
"Mức giá của đơn hàng 100.000 tấn lần này đáp ứng các yêu cầu trên đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6-8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới", đại diện Lộc Trời nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn vì cần ứng tiền đầu tư cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất sau đó phải thanh toán “liền tay” cho nông dân tiền mua lúa lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi vụ. Điều này khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như thời gian đáo hạn ngắn khiến dòng tiền dễ bị sự cố.
Được cấp vốn 290 triệu USD, Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) lên kế hoạch lãi năm 2024 tăng 700%
Lợi nhuận cao kỷ lục, Dược Hậu Giang (DHG) chốt lịch trả cổ tức tỷ lệ 75% bằng tiền