Lốc xoáy kinh hoàng ‘xé dọc' 352km xuyên ba bang: Đoạt mạng gần 700 người, 2.000 người bị thương và ‘thổi bay’ 15.000 căn nhà chỉ trong 3,5 giờ đồng hồ
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ nhận định cơn lốc xoáy này là một "hiện tượng hiếm gặp, chỉ xảy ra vài trăm năm một lần".
Cơn lốc xoáy “kinh hoàng” khiến gần 700 người thiệt mạng
"Lốc xoáy ba bang" (Tri-State Tornado) là một trong những trận lốc xoáy chết chóc và tàn phá nhất trong lịch sử nước Mỹ, xảy ra vào ngày 18/3/1925. Cơn lốc xoáy này đi qua ba bang miền Trung Tây nước Mỹ: Missouri, Illinois, và Indiana, với chiều dài hành trình khoảng 352km, kéo dài khoảng 3,5 giờ. Đây là trận lốc xoáy dài nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Sức mạnh của trận lốc xoáy này còn được xếp vào hạng EF5, cấp độ cao nhất trên thang đo Fujita Nâng cao, với sức gió lên tới hơn 480km/h. Đây là một thảm họa lớn và là sự kiện được giới khoa học nghiên cứu nhiều về khí tượng học và ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Cơn "lốc xoáy ba bang" nổi bật bởi di chuyển với tốc độ từ 95-117 km/h trong suốt ba tiếng rưỡi, tạo ra một vệt tàn phá dài hơn 350km. Trong vòng 40 phút, nó đã phá hủy 5 thị trấn và cướp đi mạng sống của 541 người tại bang Illinois.
Khi cơn lốc xoáy đi qua Murphysboro, Illinois, nó đã phá hủy 1.200 tòa nhà và gây ra cái chết của 234 người. Tại thị trấn Gorham, toàn bộ các công trình hoặc bị san phẳng hoặc hư hỏng nghiêm trọng.
Với tốc độ gió cực kỳ mạnh và hủy diệt, lốc xoáy ba bang đã cướp đi mạng sống của tổng số 695 người và làm bị thương hơn 2.000 người, khiến nó trở thành trận lốc xoáy có số người thiệt mạng cao nhất từng được ghi nhận ở Hoa Kỳ. Thiệt hại trọng về tài sản và cơ sở hạ tầng cũng gây ra những hậu quả lâu dài cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tổng cộng, khoảng 15.000 ngôi nhà ở ba bang bị thiệt hại trong trận lốc xoáy này.
"Hiện tượng hiếm gặp, chỉ xảy ra vài trăm năm một lần"
Lốc xoáy thường được hình thành từ các cơn bão supercell (hiện tượng mây xoáy thẳng đứng liên tục trong một trận bão lớn kèm sấm sét), và mỗi cơn bão có thể sinh ra một hoặc nhiều trận lốc xoáy. Con đường tàn phá của lốc xoáy thường có những khoảng lặng khi một supercell và cơn lốc của nó tan biến, trước khi một supercell khác xuất hiện và tạo ra lốc xoáy mới. Do đó, lốc xoáy thường chỉ kéo dài vài phút và di chuyển khoảng 5-6km trước khi kết thúc.
Tuy nhiên, Cục Thời tiết Mỹ, tiền thân của Cơ quan Thời tiết Quốc gia, đã điều tra dấu vết tàn phá của "lốc xoáy ba bang" và kết luận rằng cơn lốc này hoạt động liên tục mà không có gián đoạn. Vì vậy, nó được coi là một trận lốc xoáy duy nhất đã quét qua hơn 350km.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ nhận định lốc xoáy ba bang là một "hiện tượng hiếm gặp, chỉ xảy ra vài trăm năm một lần".
Do phạm vi hoạt động rộng lớn, trận lốc xoáy này được các nhân chứng mô tả là "đám sương mù lăn" hoặc "đám mây sôi" trên mặt đất. Hình dạng khác thường của nó không giống hầu hết các trận lốc xoáy khác, khiến nhiều người không kịp nhận ra mối nguy hiểm cho đến khi quá muộn.
Vào thời điểm đó, Cục Thời tiết Mỹ không phát cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nghiêm trọng. Chính sách của cơ quan này lúc bấy giờ là tránh sử dụng từ "lốc xoáy" trong các dự báo thời tiết để không gây hoảng sợ. Dự báo chính thức vào ngày 18/3/1925 chỉ đề cập đến mưa và gió mạnh, khiến mọi người không lường trước hay chuẩn bị cho cơn lốc xoáy xảy ra vào buổi chiều hôm đó.
Ngoài trận lốc xoáy năm 1925, nước Mỹ còn phải đối mặt với bốn trận lốc xoáy nghiêm trọng khác trong gần một thế kỷ qua. Vào ngày 5/4/1936, Tupelo, bang Mississippi, bị tàn phá bởi một trận lốc xoáy, khiến 216 người thiệt mạng, theo báo cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ. Thảm họa này gây thiệt hại 3 triệu USD, phá hủy hệ thống cung cấp nước của thành phố và làm hư hại bệnh viện. Những người bị thương phải điều trị tại các cơ sở y tế tạm thời cho đến khi có thể di chuyển bằng tàu hỏa đến các bệnh viện gần đó. Chỉ một ngày sau, thành phố Gainesville ở Georgia hứng chịu một trận lốc xoáy khác, cướp đi sinh mạng của 203 người. Vài phút sau, khu thương mại của thành phố bị lốc xoáy tấn công, gây ra các vụ cháy lớn, trong đó có một nhà máy may khiến 60 người thiệt mạng. Trận lốc xoáy này xảy ra trong Thế chiến II, khiến người dân Shinnston ban đầu nhầm tưởng họ bị đánh bom. Do mất điện vì bão, bệnh viện trong khu vực phải dùng nến để điều trị cho bệnh nhân.
Khoảng 9 năm sau, vào ngày 8/6/1953, một cơn lốc xoáy nghiêm trọng khác tấn công khu vực Flint, quận Beecher, bang Michigan, trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong thế kỷ 20 ở bang này. Trận lốc xoáy đã khiến 116 người thiệt mạng và 844 người bị thương, là một trong 8 cơn lốc xoáy tấn công Michigan trong cùng ngày.
Trận lốc xoáy nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra vào ngày 22/5/2011 tại Joplin, bang Missouri. Cơn lốc có chiều rộng hơn 1km và tốc độ gió lên đến 322km/h, gây ra cái chết của 161 người.
Theo Washington Post, Reuters