Việc lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh các thị trường đầu tư khác bất ổn cũng khiến dòng tiền có xu hướng rút một phần khỏi kênh chứng khoán để trở về kênh tiết kiệm nhằm bảo toàn vốn.
Tăng lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp
Sau khi Fed chốt phương án tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt tăng lãi suất trong đó có Việt Nam.
Ngày 23/9/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh loạt lãi suất điều hành trong đó có trần lãi suất tiền gửi; mức điều chỉnh tăng là 1%.
Theo một số chuyên gia, lãi suất tăng khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nước khiên: Chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế; lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá tăng lên khiến định giá cổ phiếu sẽ giảm đi; chi phí vay margin cao lên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư,…
Xem thêm "Lãi suất cho vay margin tại các công ty chứng khoán bắt đầu tăng"
Việc lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh các thị trường đầu tư khác bất ổn cũng khiến dòng tiền có xu hướng trở về kênh tiết kiệm nhằm bảo toàn vốn một cách chắc chắn và vẫn có lợi nhuận nhất định. Cùng với nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, dòng tiền vào chứng khoán cũng đã bị hạn chế hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, khó khăn trên có thể sẽ không kéo dài.
Theo Dragon Capital, Fed cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy khả năng ngừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của Việt Nam ổn định hơn.
Với mặt bằng lãi suất trong nước, VNDirect cho rằng thị trường tài chính Việt Nam sẽ ít có khả năng xuất hiện thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022 sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, GDP quý III/2022 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ, - vượt mọi dự báo trước đó; GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,88% so với cùng kỳ - thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%).
Theo dự báo của PYN Elite Fund, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay và lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng 25%. Việc nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán nhanh chóng tăng trở lại một khi bất ổn lắng xuống và “khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng”.
Những nhóm cổ phiếu ngành sẽ được hưởng lợi từ tăng lãi suất
Dẫn nguồn Tin nhanh chứng khoán, trả lời câu hỏi về việc "Bối cảnh hiện tại tác động bất lợi đến những nhóm doanh nghiệp nào trên thị trường chứng khoán?", bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE nhận định: "Biến động có phần tiêu cực của lãi suất cũng như tỷ giá hối đoái đồng USD/VND tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD; chi phí lãi vay tăng do lãi suất tiếp tục neo cao kết hợp với việc lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản vay do tác động tỷ giá.
Theo DNSE, có một số nhóm ngành chịu tác động tiêu cực như nhóm điện, hạ tầng như POW, QTP, HND, PC1; với nhóm bất động sản là NVL, VIC; nhóm hàng không có HVN. Nói như vậy bởi các doanh nghiệp trên đang có cơ cấu nợ bằng USD và sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ bối cảnh đồng USD đang tăng cao ở thời điểm hiện tại.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ tình hình hoạt động kinh doanh hoặc theo dõi thêm trước khi giải ngân tiền vào những nhóm ngành này.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, bà Linh cho rằng ngành ngân hàng cũng sẽ chịu những tác động không khả quan do tăng trưởng hạn mức tín dụng hạn chế đến cuối năm (vì Ngân hàng Nhà nước ưu tiên kiểm soát lạm phát); tỷ lệ CASA giảm do khách hàng rút tiền về phục vụ hoạt động kinh doanh khi tín dụng bị siết chặt; NIM không khả quan do mặt bằng lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay thấp.
Do đó, chuyên gia DNSE đánh giá trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng chưa phải là cơ hội đầu tư phù hợp cho các nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, xung đột giữa Nga – Ukraine vô hình chung đã tái định hình dòng chảy dầu thô trên toàn cầu, làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến các chuyến đi dài hơn (EU chuyển sang nhập khẩu từ Trung Đông, Nga chuyển hướng sang các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ) dự báo sẽ làm tăng giá cước tàu chở xăng dầu. Như vậy, nhóm vận tải dầu khí sẽ là nhóm được hưởng lợi chính từ sự kiện này.
Trong nhóm ngành này có những doanh nghiệp đang vận hành các tàu chở dầu thô; nhiên liệu trên các tuyến quốc tế và được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn sẽ được gia hạn với giá cước cao hơn trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể quan sát PVT, GSP, PVP.
Mặ khác, nhóm ngành bảo hiểm cũng có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn do động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước do tính chất đặc thù của ngành là kinh doanh tiền (huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm và thực hiện gửi tiết kiệm, mua trái phiếu) và ít khi đầu tư vào cổ phiếu cũng như các tài sản rủi ro.
Theo bà Linh, ở thời điểm hiện tại, đây là ngành ít rủi ro và được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất nhiều nhất. Các doanh nghiệp tiêu biểu có thể quan tâm là MIG, BMI.