Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc giảm 27%, ‘báo động đỏ’ cho nền kinh tế
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xảy ra đại dịch.
Dữ liệu của Wind Information cho thấy trong tháng 9 lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, chỉ số đã giảm 17,8% trong tháng 8.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Cơ sở dữ liệu này không bao gồm số liệu của hầu hết năm 2022, khi Thượng Hải và nhiều khu vực khác của Trung Quốc chịu các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19, khiến hoạt động kinh doanh bị hạn chế.
Trước tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc đã đẩy mạnh các chính sách kích cầu. Quốc hội nước này dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào đầu tháng tới. Tại đây, Quốc hội Nhân dân Toàn quốc sẽ công bố chi tiết về các biện pháp kích thích tài khóa được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Hui Shan, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Goldman Sachs, cho biết: "Báo cáo dữ liệu này cho thấy sự cần thiết phải có các phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu và áp lực giảm phát."
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận công nghiệp giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia thống kê Yu Weining của Cục Thống kê cho biết “nhu cầu thiếu hụt và sự sụt giảm mạnh của giá nhà sản xuất” đã làm giảm khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp công nghiệp.
Dữ liệu công bố đầu tháng này cho thấy chỉ số giá sản xuất giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 9, mạnh hơn mức giảm 1,8% của tháng trước đó.
Ông Gary Ng, Kinh tế trưởng tại Natixis, cho biết trong một email gửi đến CNBC rằng sự suy giảm lợi nhuận trong lĩnh vực công nghiệp đang báo hiệu rõ ràng nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc trong việc triển khai các chính sách kích cầu.
“Mặc dù có sự khác biệt giữa các ngành, áp lực đang đặc biệt cao trong các ngành vật liệu thượng nguồn và ô tô,” ông nói.
Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 4,6% trong quý III, thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này chậm lại so với 4,8% của ba quý đầu năm và thấp hơn mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đặt ra cho cả năm.
Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức cho lĩnh vực sản xuất vào thứ Năm tuần này. Dự báo cho thấy chỉ số này có thể đạt 50,1 điểm, chấm dứt chuỗi 5 tháng liên tiếp suy giảm. Nếu đúng như dự đoán, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất của "công xưởng thế giới" đang có dấu hiệu phục hồi.
Theo CNBC
>> Nhu cầu thép của Trung Quốc giảm xuống dưới 50% tổng cầu toàn cầu