Lợi nhuận ngân hàng quý II dự báo tăng gần 19%, một nhà băng bứt phá tới 55%
VPBankS nhận định tăng trưởng tín dụng mạnh và chi phí dự phòng giảm là hai động lực chính giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng bứt phá trong quý II.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 46.740 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng vượt trội, trong khi áp lực trích lập dự phòng rủi ro suy giảm nhờ chất lượng tài sản cải thiện.
Tính đến hết tháng 6/2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 9,9%, cao hơn mức 6% cùng kỳ năm ngoái. Cho cả năm, VPBankS dự báo lợi nhuận sau thuế toàn ngành có thể đạt 239.097 tỷ đồng, tăng 19,8%, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 16%, vượt nhẹ mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước.
Trong số 11 ngân hàng được phân tích, Sacombank (STB) được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II cao nhất với 55,4%, đạt 3.382 tỷ đồng. Kết quả này đến từ tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) 14,1%, chi phí trích lập giảm mạnh (90,3%) và CIR hạ 7,8 điểm %, dù vẫn ở mức cao. VPBankS kỳ vọng Sacombank sẽ ghi nhận hoàn nhập từ các khoản tại KCN Phong Phú, giúp chi phí tín dụng giảm thêm 23 điểm cơ bản (bps).
![]() |
Nguồn: Chứng khoán VPBank (VPBankS) |
VietinBank (CTG) cũng được dự báo tăng trưởng mạnh với lợi nhuận quý II đạt 7.756 tỷ đồng, tăng 43,4%, nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định (9% tính riêng tháng 5), dự phòng suy yếu và NIM duy trì vững chắc nhờ chuyển dịch sang mảng bán lẻ.
VPBank (VPB) đứng thứ ba với lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.101 tỷ đồng, tăng 40,1%, chủ yếu nhờ tăng trưởng dư nợ tín dụng 10,5% từ đầu năm và chi phí tín dụng giảm 84 bps nhờ chất lượng tài sản cải thiện. Cả năm 2025, VPBank có thể đạt 19.196 tỷ đồng LNST, tăng 20,1%.
HDBank được dự báo đạt 4.169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, tăng 35,2%, nhờ tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần (+31% YoY), biên lãi ròng (NIM) giữ ở mức cao 5,1%, CIR thấp (27%) và tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,9%.
BIDV dự báo đạt 7.488 tỷ đồng lợi nhuận quý II, tăng 14,6%, nhờ tín dụng tăng mạnh và thu nhập lãi thuần ổn định. Cả năm, lợi nhuận BIDV có thể đạt 28.376 tỷ đồng, tăng 10,8%, dù phải đối mặt với NIM thu hẹp do tăng tỷ trọng khách hàng bán lẻ.
ACB được dự phóng đạt 5.084 tỷ đồng lợi nhuận quý II, tăng 13,4%, nhờ tín dụng và NII tăng trưởng ổn định. NIM giữ ở mức 3,4% nhờ chi phí vốn ổn định, CIR duy trì ở 30,9% và tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,49%.
Vietcombank (VCB) dự kiến đạt lợi nhuận quý II là 8.871 tỷ đồng, tăng 9,2%, chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi hồi phục và dự phòng suy yếu. Tuy nhiên, cả năm 2025, lợi nhuận chỉ tăng 4,4%, do thu nhập lãi thuần chưa phục hồi rõ rệt và chi phí huy động vốn còn cao.
Techcombank (TCB) được dự báo lợi nhuận sau thuế quý II đạt 6.623 tỷ đồng, tăng 6%. NIM duy trì ở mức 3,9%, thu nhập lãi thuần tăng 17% đạt 9.734 tỷ đồng, chi phí vốn đi ngang, trong khi CIR giữ ở mức 28,5%. Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,2%.
TPBank (TPB) dự kiến đạt 1.654 tỷ đồng lợi nhuận quý II, tăng 8,7%, nhờ tăng trưởng tín dụng 9,4% và NII ổn định. Tuy nhiên, NIM bị thu hẹp, dự phòng vẫn duy trì cao do LLR giảm về 57%.
MBBank (MBB) có mức tăng trưởng khiêm tốn 0,5%, đạt 6.136 tỷ đồng, do tăng trưởng NII và TOI ổn định nhưng chi phí trích lập có thể tăng để củng cố LLR.
VIB là ngân hàng duy nhất được dự báo lợi nhuận suy giảm, đạt 1.987 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Dù tăng trưởng tín dụng khả quan và NII tăng 29%, nhưng CIR cao (38%) và chi phí vốn vẫn neo cao khiến lợi nhuận không cải thiện.
VPBankS đánh giá năm 2025 là thời điểm tích cực cho ngành ngân hàng, với các yếu tố hỗ trợ bao gồm:
Tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh, đặc biệt ở mảng bán lẻ.
NIM ổn định trong khi chi phí tín dụng giảm nhờ chất lượng tài sản cải thiện.
Môi trường lãi suất thấp tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vay vốn và tiêu dùng.
Tuy vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào chiến lược tín dụng, năng lực kiểm soát chi phí và chất lượng tài sản của từng nhà băng.
Một cổ phiếu ngân hàng xuất hiện 19 lệnh 'cá mập', gần 3.300 tỷ đồng được trao tay
Phó Thống đốc NHNN: Chưa bao giờ ngành Ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay