Thời gian gần đây, các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại liên tục biến hóa khiến không ít người bị rơi vào bẫy.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức lừa đảo qua điện thoại liên tục ra đời và biến hình. Các chiêu trò như giả danh người có chức vụ gọi điện thoại gây sức ép đến người dân; thông báo trúng thưởng; giả danh ngân hàng,... đã trở nên phổ biến và được người dân cảnh giác.
Thời gian gần đây, lại có thêm nhiều chiêu trò mới được ra đời với những thủ đoạn tinh vi, gian trá hơn khiến cho nhiều người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm, thậm chí là vài tỷ đồng. Dưới đây là một số hình thức phổ biến gần đây.
Phụ huynh nhận điện thoại “con bị tai nạn”
Những ngày qua, tại TPHCM, hàng loạt phụ huynh nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là giáo viên thông báo rằng, con họ bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí cho trẻ. Không ít người thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo mới này.
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến chiều 8/3 đã có 13 người là phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn TPHCM đến bệnh viện này tìm con sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên và thông báo con em của họ bị tai nạn phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Ngoài ra, bệnh viện cũng nhận nhiều cuộc gọi đến từ các bậc phụ huynh nhờ xác minh thông tin trẻ cấp cứu tại bệnh viện nhưng hầu hết đều là thông tin ảo từ nhóm đối tượng lừa đảo. Số lượng các vụ lừa đảo dạng trên vẫn tiếp tục gia tăng.
Thời gian đầu, các đối tượng chủ yếu tập trung vào nhóm học sinh các trường quốc tế, trường tiểu học. Nhưng đến nay, đã có nạn nhân ở nhiều cấp học, trong đó có cả những người là sinh viên đại học. Kẻ xấu đã sử dụng thủ đoạn là thông báo cho gia đình về việc con em đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đề nghị chuyển tiền đóng viện phí để mổ gấp.
Với tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh đã không kịp xác nhận mà vội vàng chuyển tiền cho các đối tượng, nhiều người đã bị lừa số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sử dụng deepfake để giả giọng, mặt người thân
Deepfake hiện nay chưa phải là thuật ngữ phổ biến và được nhiều người biết đến. Công nghệ này sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video cá nhân khác và sử dụng AI thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói giống như thật.
Nói một cách dễ hiểu, deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với tỷ lệ chân thực rất cao. Với khả năng giả giọng và khuôn mặt với tỷ lệ chân thực cao, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng deepfake để thực hiện các chiêu trò lừa đảo.
Chẳng hạn như các đối tượng sẽ gọi cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản chúng chuẩn bị sẵn.
Lúc này, khi đã kiểm chứng thông qua giọng nói hoặc hình ảnh khuôn mặt (thực chất là làm giả bằng deepfake), nạn nhân không còn nghi ngờ gì nữa mà chuyển tiền tới một số tài khoản đã được chỉ định. Đến khi nhận ra thì đã tiền mất, tật mang.
Có thể thấy, chiêu trò giả danh người thân nhắn tin nhờ chuyển tiền, vay tiền,... thực chất không hề mới. Thế nhưng, với sự phát triển ngày một nhanh chóng của công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện dưới một vỏ bọc mới, tinh vi và khó lường hơn.
Làm gì tránh bị lừa đảo?
Theo các chuyên gia về công nghệ, các đối tượng sử dụng phương phức lừa đảo công nghệ cao để lừa đảo thường tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… Chính vì vậy, mỗi cá nhân nên cẩn thận và tuyệt đối không để lộ các thông tin cá nhân quan trọng như ảnh chụp chứng minh thư, căn cước công dân, mật khẩu tài khoản trực tuyến/ngân hàng...
Khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người sử dụng có thể tự tra cứu thông tin về các trang web được gửi trong đường link đính kèm theo tin nhắn trên các mạng xã hội hoặc tin nhắn sms, để tránh bị gặp phải những trang web mạo danh, lừa đảo.
Đối với những phương thức lừa đảo dưới dạng giả mạo thông qua cuộc gọi, tin nhắn, cơ quan công an khuyến cáo, khi làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hay làm thủ tục nào khác qua mạng.
Tin kẻ giả danh công an, người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 100 triệu
Chuyển tiền 41 lần cho kẻ lừa đảo: Cúng giải hạn, cầu trúng giải đặc biệt