Lừa đảo trực tuyến gia tăng, làm gì để tránh "sập bẫy" mất tiền oan?
Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng.
Tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/9, thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết hiện nay tội phạm mạng có rất nhiều chiêu thức để lừa đảo người dân.
Tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi
Chẳng hạn chiêu thức thứ nhất, kẻ lừa đảo giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội… để yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (app) giả mạo trên điện thoại. Sau đó, tội phạm âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.
Thứ hai, tội phạm sẽ tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán... Sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài.
Thứ ba, tội phạm lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn… nhưng yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản.
Thứ tư, tội phạm dùng các thủ đoạn mới như dùng công nghệ Al (Deepfake) để giả mạo luôn khuôn mặt, giọng nói (Deep voice) rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền. Ngoài ra, các đối tượng sẽ giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo hay lập doanh nghiệp "ma", mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex… sau đó chiếm đoạt.
Giải pháp được đề xuất
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ một thực trạng là trong suốt thời gian dài vừa qua, có nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn trong việc xác định danh tính, truy tìm tội phạm cho cơ quan chức năng.
Hiện Chính phủ có đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, từ đó kết nối dữ liệu ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để làm sạch dữ liệu ngân hàng đang có. Hiện có 27 tổ chức tín dụng đang phối hợp với C06, để thực hiện việc này.
Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các ngân hàng kết nối vào nhằm xác thực dữ liệu. Theo ông Hải, việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ làm giảm rất nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, và giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận.
Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), đề nghị các ngân hàng cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng "rác", sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho rằng chế tài mua bán tài khoản chưa đủ mạnh, do đó ông kiến nghị cần tăng chế tài mua bán tài khoản ngân hàng để phòng tránh tội phạm lừa đảo.
Tổng giám đốc ACB - Từ Tiến Phát. |
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết ngân hàng cũng đẩy mạnh trong việc chống tài khoản "rác". Từ nhiều năm trước, ACB đã yêu cầu khi một khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng phải hoàn tất EKYC để chống giả mạo (hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ).
Điểm thứ 2, ACB yêu cầu khách hàng sử dụng sinh trắc học bằng vân tay. Các biện pháp này đã giúp loại trừ tình huống các tội phạm mạng sử dụng tài khoản của ngân hàng để đi lừa đảo.
Sân bay đầu tiên của tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẽ được 'lên hạng', đủ sức đón máy bay lớn nhất thế giới