Luật sư: Quy định khống chế trần lãi vay đang ‘đánh đố’ doanh nghiệp

29-11-2023 15:59|Khúc Văn

Luật sư cho rằng việc áp dụng mức giới hạn tổng chi phí lãi vay là 30% làm khó doanh nghiệp bởi giới hạn khả năng trong việc tìm kiếm nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính của họ.

Sau 3 năm thực thi Nghị định 132 của Chính phủ, doanh nghiệp phản ánh Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những quy định đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó là quy định khống chế trần của tổng chi phí lãi vay ở mức 30%.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư: Quy định khống chế trần lãi vay đang ‘đánh đố’ doanh nghiệp

Giới hạn khả năng của doanh nghiệp trong tìm kiếm nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính

-Luật sư đánh giá như thế nào về quy định này?

Mục tiêu ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là nhằm chống chuyển giáđối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giao dịch liên kết, nhằm để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro tài chính. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Tuy nhiên, việc áp dụng mức giới hạn tổng chi phí lãi vay là 30% thường thấy ở các nước phát triển, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng và đang trong giai đoạn khởi nghiệp, đòi hỏi sự sử dụng nhiều vốn vay.

Vì vậy, cần xem xét và sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng loại bỏ giới hạn 30% tổng chi phí lãi vay, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

-Như vậy là quy định này đang làm khó doanh nghiệp, thưa luật sư?

Quy định này đã giới hạn khả năng của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính của họ. Môi trường kinh doanh và tài chính thường xuyên trải qua biến động và biến cố khó lường. Việc áp đặt một trần tổng chi phí lãi vay có thể làm giảm khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trước những thách thức và cơ hội mới.

Sự cố định này có thể tạo ra áp lực không cần thiết cho doanh nghiệp. Khi có một trần tổng chi phí lãi vay, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo mức giới hạn đó, điều này có thể làm hạn chế khả năng họ tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư có lợi suất cao hơn. Điều này có thể dẫn đến việc giảm sức hấp dẫn của thị trường tài chính và làm giảm động lực cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc khống chế một “mức trần” tổng chi phí lãi vay cũng có thể tạo ra một sự không cân bằng trong thị trường tài chính. Các doanh nghiệp có quy mô lớn có thể dễ dàng tuân thủ theo trần này, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập, việc này có thể tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng và sự cạnh tranh trong thị trường tài chính, tạo ra ưu thế không công bằng giữa các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập so với các doanh nghiệp lớn và có nguồn lực.

-Mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá. Vậy thực tế, quy định này có chống được chuyển giá không?

Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.

Mục tiêu này nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp không sử dụng cách thức chuyển giá để tránh nghĩa vụ thuế và thu nhập, gây mất thu nhập cho ngân sách quốc gia. Nghị định 132 có những quy định chi tiết về trình tự, phương pháp, nguyên tắc xác định các yếu tố hình thành chuyển giá và xử phạt liên quan đến chuyển giá. Còn đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, ngành thuế hoàn toàn có công cụ, chính sách pháp luật để thanh tra, kiểm tra và xử lý.

Tuy nhiên, việc hiệu quả của Nghị định này trong việc chống chuyển giá phụ thuộc vào cách thức thực hiện và tuân thủ từ phía doanh nghiệp, cũng như khả năng giám sát và kiểm soát từ phía cơ quan quản lý thuế. Các biện pháp trong Nghị định 132/2020/NĐ-CP có thể giúp giảm rủi ro chuyển giá, nhưng để đạt được mục tiêu chống lại hiện tượng này, cần có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế.

-Làm thế nào để chống được chuyển giá?

Trên cơ sở những bất cập trong hoạt động chống chuyển giá thời gian qua cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Những nội dung cụ thể cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá là:

Đầu tiên, cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên ban hành Luật Chống chuyển giá - đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập công ty mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...;

Tiếp đó, có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá;

Và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Hai là, thu hẹp các ưu đãi thuế. Như đã nêu trong phần phân tích cơ sở của hành vi chuyển giá, chênh lệch thuế thu nhập công ty giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập công ty trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các công ty thực hiện hành vi chuyển giá.

Ba là, nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh.

Bốn là, thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế. Đây chính là cơ quan có chức năng chuyên trách thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế. Tình báo thuế không chỉ cần thiết cho hoạt động chống chuyển giá, mà còn rất hữu ích cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Tóm lại, để nâng cao hiệu quả hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tâm trước tiên đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

Sửa đổi quy định như thế nào?

- Nếu được sửa đổi, luật sẽ sửa đổi quy định này như thế nào?

Khi ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước đã phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30%. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều trong giai đoạn tập trung đầu tư , khởi nghiệp nên rất cần vốn và phải đi vay. Trong khi đó, mục đích của Nghị định 132/2020/NĐ-CP chủ yếu là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, FDI tại Việt Nam là công ty con trong tập đoàn có công ty mẹ ở các nước đã phát triển, do lãi suất vay ở các nước này tương đối thấp nên cho các doanh nghiệp FDI vay theo lãi suất thấp. Vì thế, doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%.

Ngược lại, với nền lãi suất cho vay cao tại Việt Nam, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đang phần nào gây khó khăn cho chính doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, theo tôi đề xuất tăng mức khống chế từ 30% lên mức cao hơn để phù hợp với thực tế phát triển tại Việt Nam. Mặt khác, cần triển khai song song các biện pháp chống chuyển giá ở Việt Nam bằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

-Vậy Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa bà?

Thứ nhất, phải nghiên cứu và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu và những thành công kinh tế mà các quốc gia lân cận đạt được để áp dụng vào kinh tế Việt Nam. Song đồng thời phải tránh những sai lầm mà các quốc gia đã vấp phải để rút ngắn thời gian phát triển kinh tế.

Thứ hai, nghiên cứu hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, cập nhật hằng năm về chuyển giá nhằm hạn chế hành vi tránh thuế của các công ty đa quốc gia để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước, đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của thế giới, đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, cần xây dựng một hệ thống chế tài chống chuyển giá nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Thứ tư, trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia, cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế; đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ năm, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

-Xin cảm ơn Luật sư!

>>Bộ Tài chính đề xuất sửa quy định khống chế trần chi phí lãi vay 30%

Tổng cục Thuế họp bàn sửa đổi quy định khống chế vốn vay 30%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/luat-su-quy-dinh-khong-che-tran-lai-vay-dang-danh-do-doanh-nghiep-213078.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Luật sư: Quy định khống chế trần lãi vay đang ‘đánh đố’ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH