Đường sắt cao tốc Bắc – Nam 67 tỷ USD có thể dùng thép ray ‘Made in Vietnam’
Lần đầu tiên, Việt Nam chuẩn bị sản xuất thép ray đạt chuẩn đường sắt cao tốc. Đây có thể là lựa chọn cho siêu dự án đường sắt Bắc – Nam trị giá gần 67 tỷ USD sắp triển khai.
Việt Nam có thể không cần nhập khẩu toàn bộ thép ray cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam nếu sản phẩm “Made in Vietnam” của Tập đoàn Hòa Phát sớm đưa ra thị trường như kỳ vọng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Hòa Phát đã ký hợp đồng với SMS group (Đức), tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ luyện – cán thép để thiết kế, cung cấp và lắp đặt dây chuyền sản xuất thép ray với công suất 700.000 tấn/năm. Đây là dây chuyền sản xuất thép ray hiện đại bậc nhất châu Âu, với toàn bộ thiết bị chính được sản xuất tại Đức, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đường sắt cao tốc quốc tế.
Quy trình cán ray bao gồm các công đoạn khép kín: lò nung phôi Bloom & Beam Blank, cán thô, cán đảo chiều đa năng, hệ thống quét laser phát hiện lỗi bề mặt, kiểm soát chất lượng không phá hủy (NDT), hệ thống tôi đầu ray và khoan lỗ ray đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống giá cán 4 trục siêu linh hoạt giúp kiểm soát độ chính xác và đồng nhất của sản phẩm, điều rất quan trọng trong vận hành tàu tốc độ cao.
Theo Hòa Phát, sản phẩm đầu ra sẽ là các loại thép đặc biệt mà hiện chưa doanh nghiệp nào tại Việt Nam sản xuất được. Khi dây chuyền đi vào hoạt động, đây sẽ là doanh nghiệp duy nhất ở Đông Nam Á có thể sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, và dự kiến sẽ xuất xưởng lô ray đầu tiên vào quý I/2027.
Việc Việt Nam có thể tự sản xuất thép ray không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc nội địa hóa vật tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, trong đó đáng chú ý nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá gần 67 tỷ USD đang được Chính phủ xúc tiến.
![]() |
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam gần 67 tỷ USD có thể dùng thép ray ‘Made in Vietnam’ (Ảnh minh họa) |
Hiện tại, phần lớn dây chuyền cán ray trên thế giới đều dùng công nghệ của SMS group, do đó việc hợp tác này được xem là bước đi chiến lược để Việt Nam rút ngắn khoảng cách về công nghệ vật liệu hạ tầng. Nếu sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và được lựa chọn cho các dự án trong nước, Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí nhập khẩu và chủ động hơn trong tiến độ triển khai dự án.
Dù còn gần hai năm nữa mới có sản phẩm đầu tiên, việc một doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất ray tàu cao tốc là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp vật liệu và lĩnh vực hạ tầng giao thông Việt Nam. Trong tương lai gần, “thép ray Việt Nam” có thể không chỉ phục vụ các dự án nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu ra khu vực.
>> 'Mở Google Maps đếm từng căn nhà' để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường sắt cao tốc Bắc - Nam