Lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau.
Bất động sản là nhóm ngành trả lương cao nhất
Báo cáo Khảo sát lương thưởng năm 2022 do Talentnet phối hợp cùng Merce công bố mới đây cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau (khoảng 10.600.000 đồng/ tháng). Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi chất lượng sinh viên được đào tạo trong nước đang ngày càng được nâng cao, nhất là kĩ năng ngoại ngữ.
10.600.000 đồng/tháng cũng là con số đáng chú ý bởi trước đó, trong nhiều cuộc thảo luận của người lao động và sinh viên trên mạng xã hội, sinh viên mới ra trường thường được gắn với mức lương khởi điểm 7.000.000 đồng/tháng.
Những cuộc tranh luận cũng bắt nguồn từ đây khi con số 7.000.000 đồng/tháng bị một số sinh viên mới ra trường cho là thấp, không xứng đáng.
Cũng theo báo cáo trên, bất động sản là nhóm ngành trả lương cao nhất. Đây cũng là ngành duy nhất mà doanh nghiệp Việt trả lương cao hơn doanh nghiệp nước ngoài bởi đặc thù cần am hiểu quy định, luật Việt Nam cũng như kế hoạch phát triển đa ngành của nhóm doanh nghiệp này.
Còn lại theo mặt bằng chung, mức trả lương ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 31%, trong khi nếu so sánh tổng thu nhập thì khoảng cách này thu hẹp lại với 22% do các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bổ sung các chính sách cổ phần, cổ phiếu… vào các hoạt động nhân sự nhằm giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, nếu nhìn qua các năm thì khoảng cách chênh lệch lương này đang ngày càng được thu hẹp.
Nhu cầu tuyển dụng cuối năm sẽ bùng nổ
Với hàng loạt các nỗ lực triển khai đồng bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục những khó khăn, thách thức, đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Lực lượng lao động tăng nhanh, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 giảm mạnh và nhu cầu tuyển dụng đang trong đà tăng trên toàn quốc.
Có đến 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Trong khi đó chỉ có 2% doanh nghiệp có kế hoạch sẽ cắt giảm lao động trong năm tới. Hiện, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 khá cao, rơi vào mức 11,9% đối với các công ty trong nước và 8% đối với khối các công ty nước ngoài. Tỷ lệ này cho thấy rằng Việt Nam vẫn nằm trong xu thế nghỉ việc ồ ạt với nhiều lý do khác nhau.
Trong đó, 3 ngành nghề có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tự nguyện cao nhất là Bán lẻ 15,6%; Bất động sản 12,7% và Sản xuất 10,1 %. Trong đó, ngành bất động sản và sản xuất gần như lần đầu tiên lọt vào nhóm có tỷ lệ nghỉ việc lớn nhất.
Với ngành bất động sản, do các chính sách siết chặt thị trường, số lượng dự án mới trở nên ít ỏi. Kéo theo đó là hiệu ứng domino, các công việc liên quan đến dịch vụ khách hàng,.. càng ít đi, khiến nhân viên buộc lòng phải nghỉ việc.
Trong khi đó, lao động thuộc ngành Sản xuất, đặc biệt là tại TP.HCM đã trải qua 6 tháng căng thẳng sản xuất Ba tại chỗ, nên có xu hướng muốn thay đổi để giải quyết vấn đề về mặt tâm lý. Điều này dẫn đến sự bùng nổ về tỷ lệ nghỉ việc trong ngành Sản xuất.
Ngoài ra, các ngành khác cũng có tỷ lệ nghỉ việc đáng kể như Ngân hàng, Bảo hiểm, IT.
Trái lại, nhóm 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất không thay đổi so với năm trước, cụ thể là Dầu khí, Năng lượng tái tạo và Hóa Chất – ba nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng với mức trả lương tốt so với mặt bằng do yêu cầu tuyển dụng nhân sự đặc thù, có chuyên môn cao.
Sự tăng lên trong thu nhập khởi điểm của sinh viên mới ra trường trong năm 2022 là một tín hiệu đáng mừng khi chất lượng sinh viên được đào tạo trong nước đang ngày càng được nâng cao. Đồng thời đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ sau những năm đại dịch khó khăn.
Trào lưu "âm thầm nghỉ việc" đang ăn mòn chí hướng giới trẻ?