Thị trường

Lý do đường dây thuốc giả gần 200 tỷ đồng vừa bị triệt phá không thể xâm nhập bệnh viện công lập

Hồng Hà 18/04/2025 00:00

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng thuốc, chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc được cấp phép.

Cơ quan chức năng khẳng định các loại thuốc giả trong vụ án bị triệt phá tại Thanh Hóa chưa xâm nhập vào hệ thống bệnh viện công lập. Những sản phẩm này chủ yếu được phân phối qua kênh bán lẻ và bán hàng trực tuyến.

Chiều 17/4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức thông tin tới báo chí về vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, với 14 đối tượng bị bắt giữ để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.

TS. Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ Y tế đã lập tức có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh này, đề nghị phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong quá trình điều tra, thu hồi toàn bộ thuốc giả đã được đưa ra thị trường và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Lý do đường dây thuốc giả gần 200 tỷ đồng vừa bị triệt phá không thể xâm nhập bệnh viện công lập
Lực lượng Công an kiểm tra số thuốc tân dược giả bị thu giữ. Ảnh: CAND

Theo TS. Hùng, hiện chưa phát hiện sản phẩm nào trong đường dây thuốc giả nói trên xâm nhập vào hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Nguyên nhân là do các loại thuốc giả không có giấy tờ hợp pháp nên không thể tham gia đấu thầu vào hệ thống bệnh viện. Thay vào đó, các sản phẩm này chủ yếu xuất hiện trên thị trường bán lẻ và các kênh phân phối trực tuyến.

>> Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra sữa Nutri Brain IQ vì quảng cáo thổi phồng công dụng 'chữa tự kỷ'

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ tổng cộng 21 loại sản phẩm, trong đó có 4 loại thuốc tân dược giả gồm: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 39.323 hộp sản phẩm nghi là thuốc đông dược, hoặc sản phẩm ghi nhãn với mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả đã đưa ra thị trường. Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, trong đó hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc, trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng .​

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng thuốc, chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc được cấp phép, tránh mua thuốc qua mạng hoặc các nguồn không rõ ràng để phòng tránh việc sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.​

>> Vụ gần 600 loại sữa giả: 'Bộ Công Thương nói không quản lý, thế của ai?'

Vụ gần 600 loại sữa giả: 'Bộ Công Thương nói không quản lý, thế của ai?'

Điểm mặt những độc tố có trong sữa giả, uống vào gây suy thận, tổn thương não

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ly-do-duong-day-thuoc-gia-gan-200-ty-dong-vua-bi-triet-pha-khong-the-xam-nhap-benh-vien-cong-lap-287063.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lý do đường dây thuốc giả gần 200 tỷ đồng vừa bị triệt phá không thể xâm nhập bệnh viện công lập
    POWERED BY ONECMS & INTECH