Vào thời điểm hiện tại đang là chính vụ của mận Nà Ka, người dân nơi đây đang tất bật thu hoạch. Theo bà con tại đây, năm nay thời tiết rất thuận lợi nên quả mận rất to và căng mọng.
Nà Ka là một trong những địa điểm được biết đến nhiều nhất bởi không gian hơn 100ha mận hậu.
Mận ở Nà Ka do người dân tự trồng, chăm sóc và tự tay thu hoạch. Những trái mận vào đầu hạ bắt đầu chín đều và nơi đây cũng là nơi tổ chức lễ hội “hái mận’’ hàng năm tại Mộc Châu.
Thung lũng mận Nà Ka cách thị trấn nông trường Mộc Châu khoảng 20km. Từ thị trấn rẽ vào hướng đi xã Tân Lập, thấy biển chỉ cách Tân Lập 9km thì rẽ trái, đi khoảng 1km là đến.
Gia đình anh Hàng A Của (ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có 2 ha mận tại thung lũng Nà Ka. 3 năm qua, anh cùng 10 hộ dân trong tiểu khu đã tham gia vào Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu để trồng mận hữu cơ.
Tại đây, anh được hợp tác xã (HTX) hướng dẫn cắt tỉa khoảng 500 cây mận già, mận to đã trồng gần 20 năm; sau đó chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất hữu cơ để cây cho quả chất lượng tốt nhất.
"Sau khi thu hái xong, gia đình tôi bắt đầu thực hiện các bước chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, tạo tán để cây hồi sinh sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, bình quân 1 năm vườn mận của gia đình cho thu khoảng 300 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước kia", anh Hàng A Của chia sẻ.
Theo một chủ vườn ở Nà Ka, mận có rất nhiều giá, dao động từ 7.000 đến 50.000 đồng/kg, giá cũng sẽ có chút thay đổi tuỳ vào thời điểm. Loại ngon thì thương lái thu mua với giá 25.000-50.000 đồng/kg. Việc trồng mận đã giúp cho nhiều hộ có thu nhập từ 350-700 triệu đồng/năm.
Anh Hàng A Vạng (Phó tiểu khu trưởng tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông Trường Mộc Châu) cho biết: "Mận hậu là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân tiểu khu với gần 300ha, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn quả".
Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, địa phương hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 3.200ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn.
Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, một mặt huyện đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, mặt khác tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó từng bước khẳng định và nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm.
Tháng 6 là thời điểm mận Nà Ka vào chính vụ, người dân tất bật thu hoạch. Năm nay thời tiết rất thuận lợi nên quả mận rất to và căng mọng.Nhiều tiểu thương đến tận vườn mận để mua mận.
Thu nhập từ mận đã giúp cho nhiều hộ có thu nhập từ 350-700 triệu đồng/năm.
Cây mận hậu không chỉ gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Mộc Châu mà đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất của cả nước với tổng diện tích hơn 3.200ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400ha; sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn.
Để giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm ổn định, huyện Mộc Châu đã hướng dẫn người dân sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ; nâng cao chất lượng gắn với đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản.