Những tên tuổi như Masan, Vinamilk, THACO, Kido,... đã tạo ra những thương vụ M&A lớn nhất trong 15 năm qua.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) vừa qua, những bảng xếp hạng các thương vụ M&A đình đám đã được công bố.
Giai đoạn từ 2009 đến 2023 bên cạnh những thương vụ đáng nhớ với đối tác nước ngoài, thị trường M&A nội địa cũng vô cùng sôi động. Dưới đây là bảng xếp hạng 10 thương vụ doanh nghiệp Việt mua doanh nghiệp Việ nổi bật giai đoạn 2009 – 2023.
Nổi bật trong bảng xếp hạng chính là tên tuổi đình đám Masan với 3 thương vụ
Lớn nhất là thương vụ Masan Group mua lại VinComerce và VinEco (thuộc Vingroup) vào tháng 12/2019, Masan Group và VinGroup thỏa thuận nguyên tắc về việc sáp nhập MCH và VinCommerce, VinEco (sau đổi tên thành WinCommerce và WinEco) thông qua hoán đổi cổ phần.
Đây được đánh giá là thương vụ M&A nổi bật nhất của Masan. Sau thương vụ, Masan đã nắm quyền kiểm soát hoạt động công ty và trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
Thương vụ thứ 2 của Masan xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng là sự kiện Masan mua lại 85% cổ phần Phúc Long.
Tháng 5/2021, Masan - thông qua công ty con trực tiếp là công ty TNHH The Sherpa mua 20% vốn cổ phần của Công ty CP Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD (khoảng 352 tỷ đồng), tương ứng định giá 75 triệu USD.
Sau đợt rót vốn đầu tiên, Masan thí điểm mô hình ki-ốt bán cà phê, trà sữa bên trong hệ thống 50 cửa hàng VinMart+, nay đã đổi tên thành Winmart+. Mục tiêu của tập đoàn này là đưa mô hình ki-ốt trà sữa vào 1.000 cửa hàng bán lẻ trong vòng 12 tháng.
Nửa năm sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.
Tháng 8/2022, Masan tiếp tục mua thêm 34% vốn cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 85%. Sau hơn một năm tích hợp vào Masan, gần 1.000 kiosk Phúc Long đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Có thể kể đến như Hải Dương có tới 20 kiosk Phúc Long, Hải Phòng 14 kiosk, Hưng Yên 29 kiosk....
Thương vụ đáng nhớ thứ 3 của đại gia này chính là việc mua lại Vinacafe Biên Hòa vào năm 2020. Công ty TNHH MTV Masan Beverage thông báo chào mua 401.000 cổ phiếu, tương đương 1,51% vốn của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF). Giao dịch thành công, Masan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên tuyệt đối là 100%.
Được biết, Masan Beverage là công ty con của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan và chính thức trở thành cổ đông lớn sở hữu trên 50% tại Vinacafé Biên Hòa từ năm 2011.
>> Lộ diện Top 10 thương vụ M&A “khủng” nhất Việt Nam giai đoạn 2009-2023
Tập đoàn TTC mua lại và sáp nhập Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Công ty CP Đường Biên Hòa
Năm 2017, đánh dấu cột mốc hợp nhất quan trọng khi Tập đoàn TTC hoàn tất thương vụ giá trị lên tới 452 triệu đô sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh thành CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), hoàn thiện mô hình Tổng công ty, quản lý tập trung tất cả các đơn vị kinh doanh ngành đường TTC.
Đây là thương vụ lớn thứ 2 trong top 10 kể trên và là lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các công ty nội địa.
An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex Xây dựng
Cuối năm 2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quyết định thoái vốn toàn bộ tại Vinaconex. Nhà đầu tư trả giá cao nhất, đồng thời là gương mặt được "chọn mặt gửi vàng" là Công ty TNHH An Quý Hưng
Ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, cái tên An Quý Hưng "gây sốc" cho giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ bởi đã chi tới hơn 7.700 tỷ đồng (khoảng 320 triệu USD) cho thương vụ.
THACO mua CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai
Đầu tháng 8/2018, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn HAGL và Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG), qua đó Thaco sở hữu 35% cổ phần của HNG.
Theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư vào HNG, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đây là một trong những nỗ lực rất cụ thể để góp phần đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào Top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới trong 10 năm tới.
Kido thâu tóm Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex)
Tháng 5/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) đã hoàn tất mua vào 32,886 triệu cổ phiếu của Vocarimex nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 51%. Thương vụ này giúp KIDO trở thanh một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn.
Bởi Vocarimex là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, có hệ thống các công ty con và công ty liên kết chiếm thị phần lớn trong ngành như Công ty cổ phần Dầu ăn Tường An (TAC), Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè và Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình.
Tháng 11/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido tiếp tục mua hơn 44,2 triệu cổ phiếu của Vocarimex, tương đương 36,29% vốn. Đây là lô cổ phiếu do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu và bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Sau khi mua trọn lô cổ phiếu, Kido nâng tỷ lệ sở hữu từ 51% lên 87,29% tại Vocarimex.
Vinamilk mua GTN - Sữa Mộc Châu bước ngoặt của ngành sữa Việt Nam
Tháng 12/2019, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông báo mua xong 79,5 triệu cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNFoods, tăng tỷ lệ sở hữu từ 43,17% lên 75%.
Sau giao dịch, Vinamilk chính thức thành công ty mẹ của GTNFoods, qua đó gián tiếp sở hữu 51% quyền biểu quyết tại Sữa Mộc Châu.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã thông báo nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk – mã MCM). Sau gần 3 năm chào sàn UpCom, số lượng cổ phiếu niêm yết của Mộc Châu Milk là 110 triệu cổ, vốn điều lệ tương ứng 1.100 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu MCM hiện đang giao dịch quanh vùng giá 37.000 đồng/cp, tương ứng vốn hoá khoảng 4.000 tỷ đồng.
GELEX mua Viglacera
Năm 2020, Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã chứng khoán: GEX) đã thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu Tổng công ty Viglacera (Viglacera, mã chứng khoán: VGC)
Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu VGC mà Gelex dự kiến chào mua là 95 triệu cổ phiếu, tương đương 21,19% vốn điều lệ của Viglacera. Mục đích chào mua là nhằm nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại VGC và đầu tư dài hạn.
Giao dịch thành công, Gelex nắm giữ gần 207 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 46,15% vốn điều lệ. Bởi trước đó, Gelex cùng các đơn vị thành viên đang sở hữu tổng cộng gần 112 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn điều lệ của Viglacera.
Năm 2021,Gelex hoàn tất mua vào 18,57 triệu cổ phiếu VGC, nâng sở hữu tại Tổng công ty Viglacera từ 46,15% lên 50,2%.
F.I.T mua lại Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda)
Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda) có tiền thân là Xí nghiệp Nước khoáng Diên Khánh được thành lập năm 1990. Năm 2006 công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Sản phẩm kinh doanh chính của công ty chủ yếu là các mặt hàng như nước khoáng thiên nhiên, nước giải khát từ nước khoáng; trà xanh vikoda, nước tăng lực...
Năm 2015, Vikoda thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần FIT Consumer – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT.
Từ tháng 7/2015, Cty CP Nước khoáng Khánh Hòa đã được đầu tư vào con người, hệ thống quản lý, kênh phân phối và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại có công suất gấp 3 lần giai đoạn trước (năm đầu tiên chỉ đạt 198.000 lít). Từ đó đã giúp sản phẩm Đảnh Thạnh – Vikoda đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
>> TOP 10 thương vụ M&A doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp nước ngoài đình đám nhất
TOP 10 thương vụ M&A doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp nước ngoài đình đám nhất
Hàng loạt thương vụ M&A của Masan lọt top thương vụ tiêu biểu 2009 – 2023