Máy bay bung nóc ở độ cao 7.000m, tiếp viên bị hút văng ra ngoài và cú hạ cánh kỳ diệu: Thảm họa kinh hoàng nhưng cũng là phép màu khó tin nhất trong lịch sử hàng không thế giới

10-05-2024 22:10|Tình Hoàng

Ở độ cao hơn 7.000m, nóc của chiếc máy bay này bất ngờ bị xé toạc một mảng lớn, khiến một nữ tiếp viên bị cuốn bay ra ngoài.

Nhắc đến hãng hàng không Aloha Airlines, người ta đã không còn nhớ nhiều về những thành tựu của hãng trong một thời gian dài hoạt động, điều tiếng rùm beng nhất gắn với hãng hàng không này có lẽ đó chính là chuyến bay mang số hiệu 243. Chuyến bay này là một thảm họa kinh hoàng, nhưng cũng là một phép màu khó tin bậc nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Theo đó, chuyến bay 243 khởi hành từ Hilo, trên quần đảo Hawaii, vào đầu giờ chiều ngày 28/4/1988, chở theo 89 hành khách và 6 thành viên đoàn bay đến thành phố Honolulu. Đây là chuyến bay thường xuyên kết nối hai địa danh tại Hawaii. Máy bay cất cánh suôn sẻ, không có điều gì đáng bận tâm.

Chiếc Boeing 737 trở thành phế liệu sau chuyến bay 243. Ảnh: Umons

Chiếc Boeing 737 trở thành phế liệu sau chuyến bay 243. Ảnh: Umons

Khi máy bay cất cánh được 23 phút - ở độ cao 7.300m, một phần nhỏ từ trần máy bay bất ngờ rơi xuống hàng ghế hành khách. Sau đó, lực nén đã xé toạc một mảng lớn của thân phi cơ, cuốn tiếp viên hàng không Clarabelle Lansing (58 tuổi) khỏi máy bay và khiến hành khách ngồi ở 5 hàng ghế đầu tiên không có gì che chắn ngoài bầu trời xanh phía trên họ.

Nóc máy bay bị xé toạc ngay giữa không trung, tiếp viên trưởng bị thổi bay ra ngoài. Ảnh minh họa: Discity

Nóc máy bay bị xé toạc ngay giữa không trung, tiếp viên trưởng bị thổi bay ra ngoài. Ảnh minh họa: Discity

Một hành khách đã kể lại rằng khi tiếp viên Clarabelle mới vừa chạm tay đưa cho họ ly đồ uống thì đã lập tức bị cuốn ngay đi. Không có bất kỳ cảnh báo hay một dấu hiệu nào. Nữ tiếp viên xấu số được cho là đã tử vong ngay sau đó, thi thể của cô đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Hai tiếp viên khác trên chuyến bay cũng đều bị thương khi bị những mảnh vỡ đã va đập vào đầu. Họ cố gắng bò lê trên sàn và trấn an các hành khách giữ bình tĩnh. Sức gió vô cùng khủng khiếp nhưng may mắn thay các hành khách vẫn giữ được tính mạng nhờ thắt dây an toàn.

Lúc này, ở trước buồng lái, cơ trưởng Robert Schornstheimer với 12 năm kinh nghiệm dường như không hề nao núng trước tai nạn kinh hoàng đang xảy ra ngay sau lưng ông. Ông cùng nữ cơ phó Mimi Tompkins đã nhanh chóng liên hệ với trạm điều khiển không lưu để báo cáo tình hình khẩn cấp cũng như xin hạ cánh máy bay gấp.

Cơ trưởng đã nỗ lực hết sức để giữ cho chiếc máy bay tiếp tục bay trong 10 phút trước khi nó hạ cánh an toàn xuống đường băng thuộc sân bay Kahului trên đảo Maui.

“Sự bình tĩnh và chuyên nghiệp của phi hành đoàn khi đối mặt với tình huống ngàn cân treo sợi tóc như vậy đã nói lên rất rõ về kỹ năng bay của họ”, tạp chí Flight Safety Australia (An toàn bay Australia) viết.

Cảnh tượng kinh hoàng chiếc máy bay mất nóc khi hạ cánh xuống sân bay Honolulu. Ảnh: airwaysmag

Cảnh tượng kinh hoàng chiếc máy bay mất nóc khi hạ cánh xuống sân bay Honolulu. Ảnh: airwaysmag

Sau khi hạ cánh, tất cả các hành khách được đưa xuống máy bay thông qua thang hơi thoát hiểm. Tổng cộng có 65 hành khách bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng. Ở thời điểm đó, sân bây Kahului chưa có đủ điều kiện cứu hộ, cả hòn đảo chỉ có rải rác vài xe cứu thương nên các hành khách bị thương đã được đưa đến các bệnh viện bằng xe du lịch. Rất may không có thêm một ai tử vong trong vụ thảm họa này.

Sau vụ tai nạn kinh hoàng, Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã vào cuộc điều tra. Theo đó, nguyên nhân đẫn đến vụ việc được xác định là do độ mỏi kim loại bị ảnh hưởng từ các vết nứt rò rỉ.

Tuổi thọ của chiếc máy bay cũng được coi là vấn đề then chốt dẫn đến tai nạn trên. Chiếc Boeing 737-200 nói trên được chế tạo vào năm 1969 và được giao hàng mới nguyên cho hãng hàng không Aloha Airlines. Nó đã tích lũy được 35.496 giờ bay, không quá nhiều tính đến thời điểm xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, số giờ bay đó lại được thực hiện trong hơn 89.000 chuyến bay.

Phi hành đoàn đã hạ cánh thành công máy bay. Ảnh: Newfoxy

Phi hành đoàn đã hạ cánh thành công máy bay. Ảnh: Newfoxy

Ở thời điểm đó, máy bay cũng không được bảo trì thường xuyên như hiện nay. Theo báo cáo điều tra của NTSB, một hành khách trước khi lên máy bay đã nhìn thấy một vết nứt trên thân chiếc phi cơ nhưng người này đã không báo lại cho phi hành đoàn. Vết nứt được cho là đã đóng góp vào vụ tai nạn.

Sự việc kinh hoàng trên chuyến bay 243 để lại một bài học lớn về các nguyên nhân khả dĩ có thể xảy ra trong tai nạn hàng không. Chuyến bay này có lẽ đã thiệt hại nhiều hơn nếu như không có sự bình tĩnh và kỹ năng của các phi công. Sau đó, cơ trưởng Robert Schornstheimer và cơ phó Mimi Tompkins đều đã nhận được giải thưởng danh giá về mặt chuyên môn sau khi thành công cứu sống các hành khách.

>> Hai chiếc máy bay đâm sầm ở độ cao 1.600m, toàn bộ hành khách thiệt mạng, 10 tòa nhà sập đổ, là thảm họa hàng không tồi tệ nhất cho đến nay

Đâu là chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay? Chuyên gia hàng không tiết lộ sự thật

Máy bay bốc cháy đâm sầm vào tòa nhà, toàn bộ người trên khoang thiệt mạng, khói đen dày đặc nghi ngút, lính cứu hoả khẩn trương có mặt

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/may-bay-bung-noc-o-do-cao-7000m-tiep-vien-bi-hut-vang-ra-ngoai-va-cu-ha-canh-ky-dieu-tham-hoa-kinh-hoang-nhung-cung-la-phep-mau-kho-tin-nhat-trong-lich-su-hang-khong-the-gioi-d122385.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Máy bay bung nóc ở độ cao 7.000m, tiếp viên bị hút văng ra ngoài và cú hạ cánh kỳ diệu: Thảm họa kinh hoàng nhưng cũng là phép màu khó tin nhất trong lịch sử hàng không thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH