50 máy bay Boeing đổi lấy mức thuế đối ứng 19%, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á tuyên bố 'bước vào kỷ nguyên mới' với Mỹ
Thỏa thuận đột phá này được đánh dấu bằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước này từ 32% xuống còn 19%.
Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ngày 16/7 tuyên bố quan hệ thương mại giữa Indonesia và Mỹ đã chính thức bước vào một "kỷ nguyên mới cùng có lợi".
Ở chiều ngược lại, hàng hóa Mỹ nhập vào Indonesia sẽ được miễn hoàn toàn thuế quan và không chịu bất kỳ rào cản phi thuế nào – một động thái cho thấy sự ưu ái của Washington đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong bối cảnh đang gấp rút hoàn tất hàng loạt thỏa thuận trước hạn chót 1/8.

Tổng thống Trump khẳng định kết quả này đến từ cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông và Tổng thống Prabowo – cuộc gọi diễn ra chỉ vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Indonesia kết thúc chuyến công du châu Âu.
“Tôi đã có một cuộc điện đàm rất tốt với Tổng thống Donald Trump. Chúng tôi nhất trí đưa quan hệ thương mại song phương sang một chương mới, cùng phát triển, cùng có lợi”, ông Prabowo chia sẻ trên Instagram, kèm theo hình ảnh ông tươi cười khi điện đàm với lãnh đạo Mỹ.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Indonesia, ông Hasan Nasbi, cho biết đây là kết quả của một "cuộc đấu tranh phi thường", do Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế trực tiếp dẫn dắt. Tổng thống Prabowo dự kiến sẽ tổ chức họp báo chính thức trong ngày để công bố thêm chi tiết.
Dù chưa tiết lộ đầy đủ điều khoản, Washington xác nhận mức thuế mới 19% sẽ áp dụng cho hàng hóa Indonesia xuất sang Mỹ trong thời gian tới.
Đổi lại, Indonesia đã cam kết loạt đơn hàng "khủng" dành cho phía Mỹ: mua 50 máy bay Boeing, nhập khẩu thêm 15 tỷ USD năng lượng, 4,5 tỷ USD nông sản và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Đây là những điều kiện tiên quyết để chính quyền Trump đồng ý hạ thuế cho Jakarta – đồng thời hỗ trợ mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong kỳ bầu cử sắp tới.
Chuyên gia cảnh báo: “Thỏa thuận chưa cân bằng”
Dù chính phủ Indonesia ca ngợi đây là bước tiến lịch sử, một số chuyên gia trong nước bày tỏ lo ngại về sự mất cân đối trong thỏa thuận này.
Chuyên gia Bhima Yudhistira từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp lý Indonesia nhận định: “Trong khi hàng hóa Mỹ được miễn thuế hoàn toàn, thì Indonesia vẫn phải chấp nhận mức thuế 19%. Điều này có thể tạo ra rủi ro lớn cho cán cân thương mại của chúng ta”.
Ông cũng cảnh báo Indonesia không nên quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ, vì sự bất cân đối hiện tại có thể khiến nước này gặp bất lợi trong các vòng đàm phán tiếp theo.
Theo số liệu năm 2024, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Indonesia đã tăng 5,4%, lên tới 17,9 tỷ USD – phản ánh mức độ phụ thuộc ngày càng lớn của Indonesia vào xuất khẩu sang Mỹ, và cũng là lời nhắc nhở rằng bất kỳ thay đổi chính sách nào từ Washington đều có thể tạo ra cú sốc không nhỏ cho Jakarta.
>> Mỹ âm thầm dựng cơ sở bảo dưỡng tàu tại tiền đồn hải quân Philippines
Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Indonesia, châu Âu sẵn sàng trả đũa
Mỹ chưa giảm thuế, Thái Lan và Indonesia tăng tốc đàm phán trước hạn chót 1/8