Lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường nhưng phải mất đến 72 giờ mới có thể kiểm soát được các đám cháy xung quanh vụ va chạm.
Câu chuyện xảy ra vào 64 năm trước, khi hai chiếc máy bay đã va vào nhau trên bầu trời thành phố New York, giết chết toàn bộ hành khách và nhiều người dưới mặt đất. Nhìn lại thảm họa hàng không tồi tệ này khiến ai nấy không khỏi xót xa.
Cụ thể, thông tin trên tờ New York Daily News chia sẻ, ngày 16 tháng 12 năm 1960, tuyết rơi dày ở New York. Một chiếc United DC-8 đang bay từ Chicago đến Sân bay Idlewild (nay là sân bay quốc tế John F. Kennedy) ở phía Nam quận Queens. Cùng lúc đó, chiếc TWA Super Constellation đang bay từ Dayton, Ohio tới Sân bay LaGuardia ở phía Bắc quận Queens. Do thời tiết xấu, chiếc United được yêu cầu bay vòng để chờ hạ cánh. Tuy nhiên, phi công đã tính toán sai vị trí của đường bay vòng này nên chiếc United đã đi thẳng vào đường bay của chiếc TWA.
Vụ tai nạn đã khiến khu vực rộng lớn bên dưới thành đống đổ nát |
Vụ va chạm đã khiến mảnh vỡ rơi nghiêng xuống giao lộ Park Slope ở Brooklyn, khiến toàn bộ 128 hành khách trên 2 chuyến bay và 6 người ngoài cuộc thiệt mạng. Đồng thời phá hủy 10 ngôi nhà cao tầng bên dưới. Khói cuồn cuộn khắp khu vực lân cận, nhiều chiếc xe mắc kẹt dưới đống đổ nát. Nhân viên cứu hộ đã ngay lập tức có mặt để cấp cứu và vội vã dập tắt ngọn lửa đang nhấn chìm phần lớn đại lộ số 7 ở Brooklyn. Tuy nhiên, do có nhiều đám cháy, nỗ lực dập lửa đã phải kéo dài tới gần 72 giờ. Với tổng số 134 người thiệt mạng, đây là thảm họa hàng không nguy hiểm nhất thế giới.
Một trong những động cơ phản lực của chiếc máy bay xấu số |
Lính cứu hỏa đột nhập vào cabin của một chiếc máy bay trong nỗ lực kéo phi công được cho là bị mắc kẹt ra ngoài |
50 năm sau ngày thảm họa hàng không này xảy ra, hơn 100 người bao gồm hàng chục thành viên gia đình nạn nhân từ khắp mọi nơi đã tập trung để khánh thành tượng đài tưởng nhớ bằng đá granit tại nghĩa trang Green-Wood, gần khu vực xảy ra vụ va chạm.
Tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân xấu số bằng đá granit tại nghĩa trang Green-Wood |
Được biết thêm, một cậu bé có tên Stephen Baltz, 11 tuổi ở Wilmette (một làng thuộc quận Cook, tiểu bang Illinois, Mỹ) là người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn máy bay, nhận được sự quan tâm của cả nước. Tuy nhiên, ngày hôm sau cậu đã qua đời vì bỏng nặng tại bệnh viện Methodist. Sau cái chết của con trai mình, cha của Stephen đã đặt 65 xu tiền lẻ mà Stephen sở hữu vào hộp từ thiện ở bệnh viện. Những đồng xu cháy đen này ngày nay vẫn còn nằm trong một tấm bia tưởng niệm nhỏ trưng bày tại bệnh viện nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay. Đó là nơi duy nhất dành cho 134 nạn nhân xấu số cho đến khi tượng đài được xây dựng 50 năm sau đó.