MB hỗ trợ ngân hàng "0 đồng" OceanBank: Đẽo vàng hay cõng đá?

22-03-2022 16:38|Hoàng Yến

Theo SSI Research, thương vụ hỗ trợ OceanBank này có thể đem lại nhiều lợi ích hơn so với rủi ro mà MB phải chịu xét về mặt dài hạn.

Của "rẻ" là của "ôi"?

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 được tổ chức mới đây, ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho biết, ngân hàng sẽ hợp tác với Ngân hàng TMPC Quân đội (MB - MBB) trong quá trình tái cơ cấu.

Cụ thể, OceanBank sẽ phối hợp với MB để thực hiện đề án tái cơ cấu do Chính phủ và NHNN chỉ đạo, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ, nợ quá hạn phát sinh, xử lý nợ xấu, kiểm soát chi phí,...

OceanBank là một trong ba ngân hàng được NHNN mua lại với giá "0 đồng" từ năm 2015. Cuối năm 2017, khi Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, nhiều kỳ vọng được mở ra cho quá trình tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng". Tuy nhiên hơn 4 năm trôi qua, cả 3 ngân hàng 0 đồng vẫn tiếp tục hoạt động cầm chừng và ghi nhận lỗ.

Trên thực tế, việc các ngân hàng được giao quản trị ngân hàng "0 đồng" được coi là đèo bòng. Điều này sẽ khiến ngân hàng hỗ trợ phải đối mặt đối mặt với rủi ro trước mắt là việc phân tán nguồn lực để sang điều hành một ngân hàng độc lập.

Ngoài ra, rủi ro về chu kỳ kinh tế tế kém thuận lợi cũng có thể khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt, ảnh hưởng đến quá trình vực dậy ngân hàng "0 đồng".

Tại OceanBank, ngân hàng này vẫn đang ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ.

Cụ thể, theo Bộ phận phân tích SSI (SSI Research), tại thời điểm cuối 2020, dư nợ cho vay của OceanBank đạt khoảng 20.000 tỷ đồng - một nửa trong đó là nợ xấu; dự phòng rủi ro tín dụng là 8.400 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng là 32.000 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu là âm 14.000 tỷ đồng (mất khả năng thanh toán). Ngân hàng vẫn chịu lỗ do nguồn thu nhập hạn chế từ cho vay và tiền gửi khách hàng mới được sử dụng để trả lãi cho khách hàng cũ, chi phí hoạt động không được tối ưu.

Năm 2021, kết quả kinh doanh của OceanBank đã được cải thiện so với các năm trước, tuy nhiên ngân hàng hiện vẫn đang lỗ.

Lợi nhiều hơn hại?

Theo SSI Research, khi hỗ trợ OceanBank, ngoài quyền lợi theo quy định, bên nhận chuyển giao cũng có khả năng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Thực tế, trong những năm qua, khi các ngân hàng hỗ trợ một số quỹ tín dụng, họ thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Nếu giả định MB được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng (hoặc 34 nghìn tỷ đồng) theo số liệu 2021 và cung cấp 10.000 tỷ đồng vốn chi phí thấp cho OceanBank, tác động ròng đến thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của MB có thể là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%). Con số trên chưa tính đến khả năng sau khi tái cơ cấu thành công, MB có thể thoái vốn tại OceanBank.

Mặt khác, theo quy định, BCTC của OceanBank sẽ được tách riêng và không hợp nhất vào MB. Thương vụ này có thể đem lại nhiều lợi ích hơn so với rủi ro mà MB phải chịu xét về mặt dài hạn.

Đánh ra về rủi ro, SSI Research cho rằng cần thời gian để MB áp dụng và tích hợp hệ thống và mô hình hoạt động vào OceanBank. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực quản lý sang OceanBank và chu kỳ kinh tế kém thuận lợi khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt cũng là những rủi ro mà MB phải đối mặt.

Dựa theo phân tích trên và những thông tin có được, SSI Research cho rằng thương vụ này giống như một sự tiếp quản về ban lãnh đạo trong đó MB sẽ điều nhân sự sang OceanBank để tái cơ cấu hoạt động.

''Nhìn chung, OceanBank có thể là thương vụ có lợi cho MB và giúp ngân hàng tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn nếu ban lãnh đạo có thể chèo lái con thuyền đi đúng hướng. Trong trường hợp đó, thương vụ này cũng đem lại lợi ích kinh tế tích cực về dài hạn'', nhóm phân tích đánh giá.

Đối với OceanBank, SSI Research giả định ngân hàng sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (10.000 tỷ đồng) cùng với nguồn vốn chi phí thấp từ MB (10.000 tỷ đồng). Nhân sự và ban điều hành mới đến từ MB cũng có thể giúp OceanBank điều chỉnh và tối ưu chi phí hoạt động. Điều này có thể giúp lợi nhuận OceanBank đạt 1.400 tỷ đồng mỗi năm. Sau 10 năm, OceanBank có thể hồi phục trở lại và đáp ứng được các quy định về an toàn tài chính.

Dù vậy, SSI Research cũng nhận định, tình hình thực tế cũng như cấu trúc của thương vụ chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với những con số tính toán đơn giản. Tuy nhiên, đây sẽ giống một thương vụ hai bên cùng có lợi, hơn là việc MB hoàn thành một nghĩa vụ bắt buộc nào đó.

Công ty chứng khoán gặp sự cố kết nối với HoSE trong sáng ngày 5/7

MBBank (MBB) bổ nhiệm thêm Phó Tổng Giám đốc mới

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mb-ho-tro-ngan-hang-0-dong-oceanbank-deo-vang-hay-cong-da-132669.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
MB hỗ trợ ngân hàng "0 đồng" OceanBank: Đẽo vàng hay cõng đá?
POWERED BY ONECMS & INTECH